Bài nổi bật
Dấu hiệu cho thấy bạn đang đặt tiêu chuẩn tình yêu quá thấp
Bạn xứng đáng với một tình yêu trọn vẹn, cân bằng. Tuy nhiên, có nhiều người đã không nhận ra được điều này và chấp nhận một mối quan hệ mà trong đó bản thân bạn cảm thấy không có quá nhiều giá trị.
Khi được hỏi trên Reddit về việc có nên hạ thấp tiêu chuẩn trong mối quan hệ, một người dùng đã trả lời rằng: “Ngắn hạn thì mình không vui trong mối quan hệ, còn dài hạn thì mình không vui với chính mình.”
Tiêu chuẩn tình yêu chính là những mong đợi, giá trị và tiêu chí của một người về những gì là chấp nhận được, đáng khao khát hoặc cần thiết trong một mối quan hệ lãng mạn. Những tiêu chuẩn này bao gồm đủ mọi khía cạnh: cảm xúc, thể chất và tinh thần. Chúng dẫn lối cho cách mà hai người đối xử với nhau, điều gì là chấp nhận được, và mỗi người mong muốn gì ở đối phương.
Tiêu chuẩn giúp chúng ta giữ được ranh giới lành mạnh, đảm bảo nhu cầu và giá trị của mình được tôn trọng. Khi hạ thấp tiêu chuẩn quá mức, có thể dẫn đến sự không hài lòng, oán trách và thậm chí những mối quan hệ không lành mạnh.
Dưới đây là 3 dấu hiệu cho thấy bạn đang chấp nhận quá nhiều và đánh đổi quá lớn trong mối quan hệ.
Bao biện cho hành vị độc hại của đối phương
Tiêu chuẩn trong tình yêu là thứ rất cá nhân và thay đổi tùy theo mỗi người, nhưng một lý do phổ biến khiến chúng ta dễ hạ thấp tiêu chuẩn chính là để có thể thích nghi với một mối quan hệ nào đó. Ban đầu, có thể bạn có những kỳ vọng cao, nhưng theo thời gian, bạn sẽ nhận ra chẳng có ai là hoàn hảo và đôi khi cần phải thỏa hiệp.
Tuy nhiên, đừng bao giờ thỏa hiệp với những giá trị cốt lõi. Những bất an trong lòng, như tự ti chẳng hạn, thường khiến chúng ta chấp nhận hạ tiêu chuẩn của mình quá mức, vì sợ rằng nếu đòi hỏi quá cao, mình sẽ cô đơn hoặc không được yêu thương.
Họ có thể viện lý do cho đối phương bằng cách:
Xem nhẹ vấn đề. Đây là khi ta cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi tiêu cực từ phía người yêu, tự nhủ rằng “chuyện nhỏ mà,” hoặc “ai mà chẳng có khuyết điểm.” Chẳng hạn, họ có thể coi những cuộc cãi vã thường xuyên hay lời lẽ thiếu tôn trọng là “chuyện bình thường” trong một mối quan hệ, bỏ qua việc những điều đó thực sự đang gặm nhấm hạnh phúc và lòng tự tôn của mình.
Tha thứ quá mức. Tha thứ là một phần không thể thiếu trong bất kỳ mối quan hệ nào, nhưng khi tha thứ trở thành cái cớ để bỏ qua những vấn đề lớn mà không xử lý triệt để, thì mọi chuyện sẽ càng trở nên phức tạp. Người ta có thể tha thứ cho đối phương về những hành vi như nói dối hoặc thờ ơ, mong chờ mọi chuyện sẽ thay đổi, nhưng nếu không giữ vững ranh giới hay bắt đối phương chịu trách nhiệm, những vấn đề đó sẽ cứ lặp đi lặp lại.
Biện minh. Đây là khi ta cố tìm lý do hợp lý để bao biện cho hành vi không đúng của đối phương. Ví dụ, ai đó có thể lý giải cơn giận của người yêu là do áp lực công việc hoặc những vết thương trong quá khứ, thay vì nhận ra rằng hành vi ấy không chấp nhận được và cần phải thay đổi. Việc biện minh như vậy chỉ khiến ta dần quen với những hành vi xói mòn nền tảng của một mối quan hệ bền vững.
Mỗi chiến lược trên cho phép người ta hạ tiêu chuẩn của mình, giúp tránh được những xung đột ngay lập tức, nhưng rồi sau cùng lại dẫn đến những tổn thương và sự bất mãn lớn hơn về lâu dài.
Hy vọng vào sự thay đổi
Một quan niệm sai lầm phổ biến khiến người ta hạ thấp tiêu chuẩn trong mối quan hệ là niềm tin rằng họ có thể thay đổi đối phương. Họ bỏ qua những hành vi tiêu cực như thiếu nhất quán, không sẵn sàng chia sẻ cảm xúc, thiếu tôn trọng, thiếu động lực, thậm chí là không trung thực, rồi tự thuyết phục mình rằng chỉ cần yêu thương và kiên nhẫn đủ lâu, đối phương sẽ “thay đổi.”
Thay vì nhìn nhận con người thực tế của người yêu ở thời điểm hiện tại, họ lại đặt hy vọng vào “tiềm năng” của đối phương, dồn hết tâm sức vào viễn cảnh về một “phiên bản” hoàn hảo trong tương lai mà mình mơ ước.
Một người dùng Reddit đã chia sẻ: “Tôi hẹn hò với anh chàng số 1 trong một năm, rồi chia tay. Sau đó tôi hẹn hò với anh chàng số 2 cũng trong một năm, rồi lại chia tay. Tôi quay lại với anh chàng số 1, và mối quan hệ lên xuống thất thường kéo dài thêm ba năm. Mỗi lần quay lại với anh ta là mỗi lần tôi hạ tiêu chuẩn của mình, và cuối cùng tôi nhận ra điều đó không xứng đáng. Tôi cứ hy vọng anh ta sẽ thay đổi, nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó, nhưng anh ấy chẳng hề nỗ lực gì cả. Vậy nên tôi quyết định ra đi.”
Những người có “tư duy phát triển” thường rất lạc quan và bao dung trong tình yêu vì họ tin rằng, chỉ cần cố gắng, đối phương có thể thay đổi những hành vi tiêu cực. Nhưng chính suy nghĩ này lại dễ dẫn đến những kỳ vọng không thực tế, gây ra thất vọng và mất niềm tin khi đối phương không thể thực hiện đúng như mong đợi.
Thay vì cố gắng thay đổi một người không đáp ứng được nhu cầu của mình, có lẽ khôn ngoan hơn là tìm một người mà mình thực sự trân trọng đúng với con người hiện tại của họ.
Chỉ mình bạn là người hy sinh
Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đã hạ thấp tiêu chuẩn là khi mình bạn gồng gánh và nỗ lực, trong khi người kia chẳng bao giờ chủ động gặp bạn ở nửa đường. Điều này thường xảy ra khi bạn bỏ qua nhu cầu của chính mình, chỉ mong tình yêu sẽ được đáp lại, nhưng rồi tất cả vẫn chỉ là hy vọng vô vọng.
Hy sinh là điều cần thiết để duy trì một mối quan hệ lành mạnh – khi cả hai biết thỉnh thoảng đặt nhu cầu của nhau lên trước. Nhưng khi chỉ có một người luôn hy sinh mà không nhận lại được gì, điều đó sẽ khiến tinh thần dần kiệt quệ, nảy sinh sự oán trách, mất dần cái tôi, và rồi để lại trong ta một cảm giác trống rỗng và không được trân trọng. Như một người dùng trên Reddit đã chia sẻ: “Tôi không vui nhưng vẫn cố gắng, vì tôi muốn cho nó một cơ hội (rồi một cơ hội nữa, và thêm một cơ hội nữa). Đến cuối cùng, tôi thậm chí không còn nhận ra mình là ai nữa.”
Thay vì chấp nhận một mối quan hệ mà đối phương chỉ coi bạn như chiếc phao cứu sinh, điều quan trọng là nhận ra giá trị của chính mình, chăm sóc bản thân và đảm bảo rằng nhu cầu của bạn cũng được đáp ứng.
Tình yêu bản thân sẽ giải phóng bạn khỏi sự lệ thuộc vào một tình yêu không được đáp lại, trao cho bạn sức mạnh để tìm kiếm một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và nỗ lực chung từ cả hai phía.
Theo 3 Signs That Your Standards Are Too Low / Psychology Today
Với những mối quan hệ không tương xứng, bạn sẽ mãi mệt mỏi, loay hoay trong cho đến khi hao mòn hết cả tình yêu, sức khỏe, sự nồng nhiệt. Vì vậy, hãy từ bỏ trước khi nó bòn rút hết sức sống của bạn. Chia sẻ với các bạn một số dấu hiệu mà mọi người đã chia sẻ trên mạng xã hội về giây phút họ quyết định buông tay.