Có đôi khi, hạnh phúc không phải là nhận lấy mà là cho đi. Bạn cho đi những điều tốt lành và bạn sẽ đón nhận niềm vui từ những điều nhỏ bé.
Tôi nhớ tôi có xem một đoạn hoạt hình ngắn rất hay về điều này. Có một người đàn ông khi nào cũng cau có. Anh ta cảm thấy vô vị với cuộc sống này. Bởi bản thân anh không bao giờ cười, không bao giờ giúp đỡ ai dù chỉ là bấm nút thang máy để chờ ai đó, hay vươn tay giúp một cô bé nhỏ lấy lại quả bóng bay.
Cho đến một ngày, anh gặp một bà lão muốn đi qua đường. Cũng như mọi lần, anh tính lặng lẽ cách xa bà để tự đi qua. Nhưng cánh tay anh bị bàn tay nhăn nheo mà mạnh mẽ giữ chặt. Và thật kỳ lạ, anh không muốn giãy bàn tay đó ra. Anh bước một bước, bà lão bước một bước. Hai người cứ thế đi qua đường mà không nói với nhau lời nào. Khi bước đến bên kia đường, bà lão quay lại “thưởng” cho anh một nụ cười biết ơn.
Thật lạ…
Nụ cười ấy khiến anh lâng lâng, hạnh phúc cả ngày dài. Và anh bước đi trên đôi chân nhún nhảy. Lần này anh gặp lại cô bé với trái bóng bay, anh đã vươn tay bắt lấy trái bóng trả cho bé. Và anh lại hạnh phúc khi nhìn thấy gương mặt bừng sáng ngỡ ngàng của của cô bé.
Thế đấy, niềm vui của người này có thể lây qua cho người khác. Và khi bạn làm một việc tử tế và hiểu được ý nghĩa của những việc làm này, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc ấy có thể lan truyền ra cho những người xung quanh, giúp cho bạn bè, người thân, và cả xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Tuyệt vời như vậy tại sao bạn không thử nhỉ?
Sau đây là một số việc đơn giản mà bạn có thể làm hàng ngày do anh Hoàng Anh Tú chia sẻ mà mình thấy rất hợp lý:
- Ra vào chậm lại một chút, giữ cửa cho người đi sau mình.
- Nhắc ai đó về chân chống xe họ quên gạt
- Dừng đèn đỏ đứng lệch sang bên trái nhường cho người đi bên phải rẽ.
- Thử đừng bấm còi xe. Nhường đường cho những người vội vã ở phía sau mình.
- Trời mưa nhớ tránh những vũng nước kẻo bắn vào người xung quanh
- Tuân thủ luật giao thông, đi đúng phần đường của mình.
- Chọn chuông điện thoại vừa đủ nghe hoặc để chế độ rung.
- Vào thang máy thì nhường cho người phía trong ra trước.
- Không tạo ra tiếng ồn ở các khu vực công cộng, khu vực chung. Nói vừa đủ nghe. Chơi game đừng bật tiếng hoặc nếu muốn hãy đeo tai nghe. Xem phim trên máy điện thoại cũng thế, khi ở nơi công cộng.
- Chuẩn bị sẵn tiền lẻ khi lấy xe ở bãi gửi xe tránh gây ùn tắc đợi bảo vệ đổi tiền.
- Bớt càng nhiều túi nilon càng tốt.
- Giúp đỡ người già, trẻ nhỏ.
- Đừng xả rác.
- Tắt điện, máy lạnh trước khi rời cơ quan
- Để lại số điện thoại trên kính xe nếu có việc phải đỗ trước cửa nhà người khác.
- Ngưng nói về ngoại hình người khác
- Đừng nói chuyện giàu nghèo với những người đang có vấn đề về tài chính
- Luôn không để mình thành kẻ làm phiền người khác. Nếu tự làm được thì hãy tự làm.
- Sử dụng lời cảm ơn nhiều nhất có thể.
- Hãy xin lỗi khi làm phiền người khác.
Chỉ là 20 điều vừa nghĩ ra và mang tính tượng trưng thôi. Mọi người có thể bổ sung thêm. Tôi tin, mỗi người chúng ta đều có hơn 20 điều “nghĩ cho người khác” nếu như thật lòng chúng ta muốn vậy.
Anh bảo chúng tôi thử những điều này để làm gì? À, để mình thấy hạnh phúc hơn thôi. Là bởi khi mình làm những điều này một cách tự nguyện không trông đợi ai sẽ cảm ơn mình, biết ơn mình thì mình sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận được lời cảm ơn. Là bởi mình đang đóng góp những điều tốt lành cho xã hội. Và mình sẽ hạnh phúc hơn nữa khi mình nhận được những điều tương tự thế này từ mọi người. Thử đi!
Trong đời sống của người Nhật có 1 triết lý sống gọi là Omoiyari. Là sự thấu hiểu sâu sắc những tình huống, những khó khăn của người khác để mình ứng xử cho phù hợp với họ, với hoàn cảnh. Omoiyari là biết lắng nghe thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình. Omoiyari đặt cái tôi cá nhân xuống sau lợi ích cộng đồng. Họ chịu thiệt về mình để cuộc sống chung tốt đẹp hơn. Tôi vẫn nghĩ, những điều này vốn cũng đều có trong văn hoá Việt. Chỉ là lâu rồi chúng ta để những người Việt ích kỷ, xấu xí lôi kéo, làm hỏng chính chúng ta đi thôi.
Hôm nay, chúng ta thử Omoiyari cùng nhau được không?
Pingback: Đừng làm tổn thương lòng nhân ái - Đời Thay Đổi Khi Ta Thay Đổi
Pingback: Học cách sống tử tế với nhau - Đời Thay Đổi Khi Ta Thay Đổi