Chia sẻ
“Funflation”: Khi niềm vui trở thành gánh nặng tài chính
Hiện tượng “funflation” (lạm phát niềm vui) đang trở thành một xu hướng đáng chú ý trong đời sống hiện đại, khi nhiều người sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn cho các hoạt động vui chơi giải trí. Điều này không hẳn là xấu, tuy nhiên, nó mang đến nguy cơ “rỗng túi” nếu không biết quản lý đúng mức.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và các dịch vụ giải trí, người tiêu dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động vui chơi, từ việc xem phim, ăn uống tại nhà hàng, đến tham gia các sự kiện thể thao và du lịch. Chi phí cho những hoạt động này tăng nhanh hơn mức lạm phát chung, gây áp lực lên ngân sách của nhiều gia đình.
Nhiều người tại Việt Nam cho biết, chi phí vui chơi giải trí đang tăng chóng mặt, thậm chí lên đến hàng triệu đồng cho một buổi tối đi chơi của gia đình bao gồm ăn uống, xem phim hoặc xem kịch.
Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đang phải đối mặt với tình trạng chi tiêu vượt quá khả năng tài chính. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, phần lớn những người trong độ tuổi từ 20 đến 35 đều thừa nhận rằng họ chi tiêu nhiều hơn thu nhập hàng tháng để duy trì lối sống hiện đại và hưởng thụ niềm vui.
Trước tình hình này, các chuyên gia khuyên rằng, người tiêu dùng cần phải có kế hoạch tài chính rõ ràng và kiểm soát chi tiêu hợp lý. Việc ưu tiên những nhu cầu thiết yếu và hạn chế các hoạt động giải trí không cần thiết có thể giúp giảm bớt áp lực tài chính.
Hãy lập ngân sách hàng tháng và tuân thủ nó. Điều quan trọng là phải biết giới hạn của mình và không nên chạy theo các trào lưu tiêu dùng.
Những Ưu Điểm và Nhược Điểm của Chi Tiêu Cho Trải Nghiệm
Kimberly Palmer , một nhà phân tích tài chính cá nhân chia sẻ: “Việc chi tiền cho những trải nghiệm, ngay cả khi chúng đắt đỏ, có thể là một bước đi thông minh miễn là khoản chi tiêu đó phù hợp và mang lại giá trị cho bạn. Nếu bạn biết rằng buổi hòa nhạc và du lịch thực sự quan trọng đối với bạn, thì hãy ưu tiên chi tiền cho những hoạt động này thay vì những thứ ít quan trọng hơn như quần áo hoặc các vật dụng khác”.
Tuy nhiên, mặc dù việc chi tiền cho những trải nghiệm thú vị có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, cách tiếp cận này có thể phản tác dụng nếu bạn không quản lý ngân sách của mình một cách hợp lý. Woroch cảnh báo: “Chi tiêu quá mức có thể dẫn đến nợ nần và điều này có thể tác động tiêu cực đến hạnh phúc của bạn, đồng thời làm chệch hướng các mục tiêu tài chính. Thuật ngữ ‘lạm phát’ cho thấy chi phí vui chơi ngày càng tăng và nhiều người đang phải lựa chọn giữa việc tận hưởng cuộc sống và trả các hóa đơn. Tuy nhiên, có những người tiêu dùng không sẵn sàng từ bỏ những trải nghiệm này, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải gánh nợ hoặc trì hoãn các mục tiêu cuộc sống như mua nhà”.
Sokunbi lưu ý rằng “funflation” có thể phản ánh một nền kinh tế đang hoạt động tốt, trong đó người dân có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực trong ngắn hạn và dài hạn. “Lạm phát có thể khiến các hoạt động vui chơi trở nên xa tầm với của một số người, đặc biệt là những người có ngân sách eo hẹp. Nó cũng có thể dẫn đến cảm giác căng thẳng về tài chính khi những việc bạn yêu thích bắt đầu chiếm nhiều ngân sách hơn. Và khi bạn bắt đầu quan tâm đến tài chính của mình hơn, bạn sẽ bắt đầu chi tiêu ít hơn”
Điều này đã được chứng minh ở Hàn Quốc, sau một thời gian giới trẻ chạy theo xu hướng YOLO (You Only Live Once – bạn chỉ sống một lần trong đời) và chi tiêu quá mức cho việc hưởng thụ, mua sắm thì gần đây mọi người có xu hướng xem xét lại những khoản chi tiêu của mình.
Theo bài viết trên Vnexpress cho thấy, lạm phát cao và thu nhập thấp đã khiến người trẻ Hàn Quốc nghĩ lại. Họ cần chi cho những thứ thiết yếu hơn. Dữ liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy từ năm 2021 đến 2023, tỷ lệ lạm phát lần lượt là 2,5%, 5,1% và 3,6%. Cùng thời điểm, tỷ lệ tăng lương hàng năm chỉ đạt 2,5%, 0,9% và 1,6%.
Kết quả phân tích dữ liệu giao dịch thẻ tín dụng của ngân hàng NH NongHyup Bank đã thể hiện sự phân hóa rõ rệt. Số lượng giao dịch ăn uống của người trẻ tuổi trong độ tuổi 20-30 đã giảm 9% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Thay vào đó, chi tiêu cho thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi tăng 21%.
Số lượng giao dịch cửa hàng bách hóa giảm 3% và ở thương hiệu cà phê đắt tiền như Starbucks và A Twosome Place, cũng giảm 13%. Trong khi đó, người mua ô tô nhập khẩu giảm 11% và mua ô tô nội địa tăng 34%.
Bạn nên cân nhắc số tiền chi trả cho những trải nghiệm của mình
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, điều quan trọng là phải đánh giá xem bạn thực sự đang chi bao nhiêu tiền so với trước đây cho cùng một trải nghiệm. Và hơn hết, bạn có thể tìm kiếm những cách thức mới để trải nghiệm giải trí miễn phí hoặc ít tốn kém hơn.
Làm Thế Nào Để Lạm Phát Không Phá Hoại Tài Chính Của Chúng Ta?
Theo các chuyên gia cho biết, việc giải trí mang đến niềm vui và động lực để thúc đẩy mọi người tiếp tục cố gắng và cải thiện thu nhập. Vì thế, việc cắt giảm hoàn toàn giải trí là điều không thể.
May mắn thay, có nhiều cách tiết kiệm ngân sách để bạn có thể tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ, đặc biệt nếu bạn sẵn sàng sáng tạo. “Hãy tìm kiếm những ưu đãi và phiếu giảm giá,” chuyên gia tài chính Sokunbi khuyên.
“Tận dụng các khoản giảm giá, phiếu giảm giá và giá thấp điểm. Các trang web và ứng dụng thường cung cấp các ưu đãi về hoạt động và ăn uống. Những hạng mục có giá trị lớn như buổi hòa nhạc và kỳ nghỉ thường có thể rẻ hơn nếu bạn đặt trước hoặc trong thời gian giảm giá.”
Hầu hết các rạp chiếu phim đều giảm giá vào một số thời điểm
Hầu hết các rạp chiếu phim thường đưa ra mức giá vé giảm và ưu đãi vào những ngày ít khán giả hơn. Ví dụ tôi thường xem phim vào ngày thứ 3 tại Galaxy Cinema vì hôm đó giá vé chỉ còn khoảng 55.000đ thay vì 95.000đ vào các ngày cuối tuần.
Bạn có thể du lịch đến một số điểm đến nhất định với mức giá tốt hơn nhiều nếu đặt trước hoặc mua thêm combo. Hãy tìm kiếm các deal này trên các trang du lịch và lập kế hoạch vui chơi sớm để tiết kiệm chi phí.
Sokunbi khuyên: “Hãy quyết định số tiền bạn sẵn sàng chi cho các hoạt động vui chơi mỗi tháng và kiên trì thực hiện theo mức đó. Sẽ dễ dàng tận hưởng hơn khi bạn biết mình không chi tiêu quá mức. Hãy chọn những hoạt động mang lại cho bạn niềm vui nhất và tập trung chi tiêu vào đó. Thà có một vài trải nghiệm tuyệt vời còn hơn là dàn trải bản thân cho nhiều trải nghiệm tầm thường.”
Palmer khuyên bạn nên thử quy tắc ngân sách 50/30/20 – chi 50% số tiền mang về nhà cho các nhu cầu, 30% cho các mong muốn (như du lịch và hòa nhạc), và 20% cho bất kỳ khoản thanh toán nợ và tiết kiệm nào.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên rằng, nên suy nghĩ kỹ trong vòng 24-48h trước khi quyết định mua hay đặt cọc cho những trải nghiệm mà có thể sau này bạn phải hối hận.
Bên cạnh các chương trình giảm giá, người tiêu dùng cũng có thể nghiên cứu các chương trình của các thẻ tín dụng mình đang có sẵn. Nhiều thẻ tín dụng hiện nay có mức chiết khấu 10-15% cho một số nhà hàng hay các khu giải trí.