Đọc - Ăn - Chơi
Xem Điều Con Muốn Nói: áp lực của anh chị trong nhà
Nhiều gia đình hiện nay vẫn rất thích có đông con với quan điểm “có anh, có em cho vui”. Tuy nhiên, cùng với việc niềm vui thì các đứa con trong gia đình, nhất là đứa con lớn chịu nhiều áp lực khi thiếu thốn tình cảm từ ba mẹ hay phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm khi tuổi còn quá nhỏ.
Việc đối xử thiên vị hay bất công trong gia đình cũng thường xảy ra khi gia đình có nhiều con. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và thể chất của trẻ. Nguy hiểm hơn, điều này có thể gây ra những tổn thương tâm lý của các bé, khiến cuộc sống sau này của các bé có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.
Điều Con Muốn Nói phát sóng vào lúc 19h15 thứ sáu trên VTV9 đã chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến sự thiên vị trong gia đình khiến nhiều bé tổn thương.
Bé 13 tuổi ấm ức khi phải làm hết việc nhà và bị thiên vị trong gia đình
Bé Kim Phụng là đứa con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em. Bé có một anh trai và hai đứa em (một trai, một gái). Hiện tại bé Kim Phụng và hai em ở với mẹ, còn anh Hai ở với bà ngoại nên bé ít khi gặp anh Hai.
Ngồi trong căn phòng bí mật, chị Yến Xuân – mẹ bé Kim Phụng chia sẻ với Tiến sĩ Tâm lý Lý Thị Mai: “Hiện tại vợ chồng tôi không sống chung. Năm 2019 vì một số lí do, tôi ra nước ngoài làm việc, lúc đó các con sống với ba và bà nội. Năm 2022 tôi về nước và rước các bé về sống cùng, còn chồng vẫn ở với mẹ để chăm mẹ. Lúc đó tôi hơi bồng bột tôi đi, để ba đứa con lại cho ba, mà đúng lúc các con đang ở tuổi dậy thì. Khi tôi quay về, có những thông tin tới tai tôi thì con tôi thiệt thòi nhiều thứ, bởi vì đàn ông chỉ đơn giản suy nghĩ đến cơm nước chứ không để tâm đến tâm lý của những đứa trẻ”.
Chia sẻ với MC Hoàng Oanh, Kim Phụng tự nhận thời điểm đó có phần giận mẹ vì khi đó em còn quá nhỏ tuổi, mới học lớp 4 mà xa mẹ tận 3 năm. Bé tâm sự: “Con buồn và giận mẹ nhiều lắm. Bà nội nói những điều không hay, tiêu cực về mẹ, con buồn nhưng con không nói được. Lúc đó con tâm sự với bạn bè, khi gặp anh Hai thì tâm sự với anh Hai. Khi mẹ về con thấy vui nhưng vẫn còn giận mẹ”.
Chị Yến Xuân rất tự hào với cô con gái mới 13 tuổi nhưng có thể làm một mâm cơm gia đình tươm tất. “Con đi chợ, về ướp, làm sườn, nấu canh, luộc rau, mẹ về là dọn cơm ra cho mẹ và các em ăn. Sáng mẹ ngủ dậy con pha ly cà phê cho mẹ”, chị kể.
Tuy nhiên, đối với bé Kim Phụng, các công việc nhà và chăm sóc, đưa đón hai em đi học dường như là quá sức đối với bé. “Khi mẹ đi làm thì con làm hết việc nhà, mẹ có giao cho các em nhưng con cũng phải làm nhiều hơn vì con là chị. Con đi chợ, nấu ăn, em bày thì con phải dọn. Con tự hỏi tại sao con mới 13 tuổi mà phải làm nhiều thứ như vậy”, bé Kim Phụng nghẹn ngào tâm sự.
Chị Yến Xuân thừa nhận bản thân đang tạo áp lực cho con, nhưng vì hoàn cảnh không còn cách nào khác. “Tôi đi làm, ba bé cũng đi làm, Phụng phải đưa đón em. Tôi biết trách nhiệm này không phải của Phụng. Tôi hiểu nhưng vô cái thế, hoàn cảnh như vậy rồi tôi không biết cách nào khác hơn. Hoặc con là chị lớn trong nhà, tất cả mọi thứ con phải nhường em”, chị phân trần.
Ngoài việc phải đảm đương công việc nhà như người lớn, bé Kim Phụng còn chịu ấm ức khi mẹ đối xử thiên vị so với hai em. “Khi các em làm sai mẹ la rồi thôi, khi con làm sai thì mẹ la rồi đánh. Mẹ vớ được gì thì mẹ dùng cái đó để đánh con. Lần đó con giận mẹ nên con có thái độ ra mặt, nên mẹ nóng giận. Đầu tiên là mẹ vớ cây móc đánh con, lần hai mẹ vớ chày đâm tiêu mẹ định đập vào đầu con mà hai em ngăn lại. Lúc đó con cảm thấy tủi thân, ấm ức”, bé Kim Phụng vừa khóc vừa kể với MC Hoàng Oanh.
Là con gái, đôi khi bé Kim Phụng muốn thể hiện tình cảm với mẹ, nhưng đổi lại điều em nhận được là sự thờ ơ, lạnh lùng của mẹ: “Nhiều lúc con ôm mẹ, hôn mẹ thì mẹ cáu vì lúc đó mẹ đang làm việc. Con biết mẹ áp lực với công việc nên thường xuyên thức khuya tới 3 – 4 giờ sáng nên con hiểu”.
MC Hoàng Oanh cho biết, nữ MC sẽ cảm thấy bản thân không được tôn trọng nếu trong trường hợp của bé Phụng bởi vì hành động đó rất đơn giản và là một ước mơ nhỏ nhoi đối với con. Tiến sĩ Tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ thêm: “Khi mình buồn, mình trống vắng thì khi con ôm mình, mình cũng thấy đó là điểm tựa nhưng mà mình lại không nghĩ rằng là con cần mình như thế nào”.
Chị Yến Xuân bộc bạch: “Tôi thừa nhận bản thân không có thể hiện tình cảm nhiều với con và cũng không thích sự ủy mị. Tôi chưa bao giờ ôm con, sợ con ỷ lại, nhõng nhẽo. Tôi từng vấp ngã nhiều lần, tôi muốn dạy con tôi phải mạnh mẽ với bản thân. Khi bé đi học, gặp vướng mắc với bạn bè, tôi không can thiệp vào chuyện cá nhân của bé mà tôi muốn bé tự giải quyết. Tôi thấy bản thân mình vô lý, mâu thuẫn. Tôi vừa muốn con mạnh mẽ, nhưng mặt khác lại muốn con nghe lời tôi”.
Clip Bé 13 tuổi ấm ức khi phải nấu cơm, đưa đón em đi học
Tiến sĩ Tâm lý Lý Thị Mai nhận xét chị Yến Xuân là đại diện cho một số phụ huynh. Họ cho rằng mình luôn luôn đúng, sợ các con làm sai, nên áp đặt lên con phải thế này thế kia. “Các phụ huynh đừng sợ các con sai, phải cho phép các cháu sai để giáo dục con đúng”. Nữ tiến sĩ cũng mong rằng sau chương trình, chị Yến Xuân sẽ thay đổi để không tạo áp lực cho con quá nhiều.
Làm anh lớn khi quá nhỏ tuổi, bé trai 11 tuổi “thèm” cảm giác được mẹ cưng chiều
Chương trình Điều Con Muốn Nói tập 3 là câu chuyện của bé Đăng Khôi. Làm anh lớn khi còn quá nhỏ, bé trai 11 tuổi cảm thấy sự thiếu thốn tình cảm từ mẹ. Không biết cách thể hiện tình cảm, Đăng Khôi chỉ biết chia sẻ mọi chuyện với mẹ qua những dòng tin nhắn.
Mở chiếc hộp ký ức, MC Hoàng Oanh và Tiến sĩ Tâm lý Bùi Hồng Quân lấy ra bức thư tay của bé Đăng Khôi, 11 tuổi. Trong thư em viết: “Con chúc mẹ trẻ đẹp hơn và mạnh khỏe. Con yêu mẹ”.
Chia sẻ với MC Hoàng Oanh lý do đặt hết tâm huyết vào bức thư, bé Đăng Khôi thổ lộ: “Con xin lỗi mẹ vì đôi lúc con làm mẹ buồn, mẹ la con vì con học không giỏi và con thường làm em khóc”. Lần bé khiến mẹ giận nhất là khi bé thi môn Tiếng Việt được 6 điểm. Bé cho biết mặc dù đã cố gắng học bài nhưng bản thân vẫn làm không tốt: “Khi mẹ giận, mẹ la và đánh con. Mẹ đánh con đau, con khóc nhưng con chịu đựng vì con biết con đang làm sai”.
Ngồi ở căn phòng bí mật, chị Thảo Nguyên – mẹ của bé Khôi chia sẻ với Tiến sĩ Tâm lý Bùi Hồng Quân: “Con không có tính cầu tiến, con tự nhủ với bản thân là học trên trung bình là tốt rồi và không cần phải cố gắng để hơn thua với các bạn khác. Điều đó khiến tôi buồn vì con không được như mong đợi của tôi. Khi giáo viên nhắn tin bảo ở trường cô kêu làm bài nhưng Khôi không làm và khoanh tay ngồi đó. Tôi cũng không biết nguyên do từ đâu. Về nhà tôi hỏi con qua tin nhắn chứ không nói chuyện trực tiếp. Tôi bảo con học giỏi thì ba mẹ sẽ vui và tự hào, con trả lời cảm giác đó là cảm giác của ba mẹ chứ không phải con. Lúc đó tôi không biết nói gì vì con nói không sai”.
Tuy học không giỏi, nhưng Đăng Khôi là người anh đảm đang trong gia đình. Chị Thảo Nguyên kể: “Ở nhà Khôi rất ít nói nhưng là người anh có trách nhiệm. Khôi chăm em thứ hai, sau này là em thứ ba nên tôi rất tin tưởng giao cho con chăm em từ những việc tắm rửa, cho em ăn, thay bỉm, dắt em đi chơi,… Tôi có công việc bận thì Khôi có thể làm được hết”.
Mẹ của bé Đăng Khôi cho biết, do tính đặc thù của công việc nên ba của bé thường xuyên đi làm, nên ở nhà bé Đăng Khôi sẽ nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Chị Thảo Nguyên cũng cho biết thêm, con trai không biết cách thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Khi sai phạm điều gì thì sẽ không xin lỗi trực tiếp, thay vào đó sẽ nhắn tin xin lỗi mẹ và khi bị la con thường im lặng, một lúc sau hoặc qua ngày sau mới nhắn tin xin lỗi mẹ.
Bé Đăng Khôi cho biết, bé thích chia sẻ mọi chuyện với mẹ qua tin nhắn hơn là chia sẻ trực tiếp: “Có nhiều chuyện con không thể nói trực tiếp với mẹ vì con sợ mẹ la. Còn với ba thì con chia sẻ trực tiếp vì ba vui tính và lắng nghe con. Mẹ hay nóng giận, nếu nhắn tin, mẹ có giận thì con cũng không thấy”.
Tâm sự với MC Hoàng Oanh, bé Đăng Khôi cho biết, đôi lúc mẹ đánh xong thì mẹ có xin lỗi. Nữ MC cũng đã chia sẻ với bé Khôi: “Người lớn, người sinh ra mình đã chịu nói lời xin lỗi với mình thì rất là thương mình bởi vì lời xin lỗi rất khó nói”. Đăng Khôi nhiều lần muốn chia sẻ với mẹ về những gì bản thân thích và không thích. Đôi khi có những việc bản thân em không thích làm, nhưng mẹ vẫn giao khiến em không thoải mái.
Clip Bé trai 11 tuổi chỉ nhắn tin, không dám trò chuyện trực tiếp với mẹ:
Chị Thảo Nguyên chia sẻ, chị có cảm giác các con có khoảng cách và sợ mẹ: “Ở nhà mỗi khi các con kêu “Mẹ ơi” thì tôi thường không “Ơi” mà nói “Có chuyện gì?” thì các con lại bảo “Không có gì” khiến tôi khó chịu. Ở nhà, khi con trên phòng, tôi ở dưới nhà kêu “Ken ơi xuống mẹ biểu” thì bé đi từ từ chậm rãi và không biết mình đã làm gì sai. Đôi khi con nghe câu nói của mẹ và nhìn phản ứng của mẹ khiến các con sợ không muốn chia sẻ điều gì”.
Ngồi cạnh mẹ, bé Đăng Khôi chia sẻ: “Lúc đó con thấy sợ, nhưng không biết lí do gì hết. Con nghĩ lúc đó mẹ chỉ cần kêu “Ken ơi” là được rồi chứ không cần “Xuống mẹ biểu”.
Nghe tâm sự của bé Đăng Khôi, MC Hoàng Oanh dần hiểu ra mọi chuyện. Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ như này, bé Khôi làm anh lớn quá sớm, một mình lo cho hai em đôi khi em cảm thấy hơi thiếu thốn sự cưng chiều của mẹ. Tôi nghĩ bé mong muốn nhất là tình cảm của mẹ dành cho bé”.
Tiến sĩ Tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng qua chương trình này, chị Thảo Nguyên sẽ thấu hiểu bé Đăng Khôi nhiều hơn. Tiến sĩ cũng khuyên bé Đăng Khôi thay vì chia sẻ mọi chuyện với mẹ qua tin nhắn thì thay vào đó hãy nói chuyện trực tiếp với mẹ.
Cuối chương trình, nam tiến sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho các gia đình thông qua câu chuyện của bé Đăng Khôi: “Đôi khi những chuyện cha mẹ cảm thấy bình thường nhưng dưới góc nhìn của con sẽ khác. Chúng ta hiểu, trò chuyện và lắng nghe con. Chúng ta thay đổi một chút để mối quan hệ và sự kết nối với con được tốt hơn”.
Điều Con Muốn Nói do VTV9 phối hợp Jet Studio thực hiện. Điều Con Muốn Nói tập 3 với những tâm sự của bé Đăng Khôi sẽ được phát sóng vào lúc 19h15 thứ Sáu 19/7/2024 trên VTV9.
Đọc thêm: