Vậy là sau 2 tuần giãn cách, Sài Gòn lại tiếp tục “ngủ đông” 2 tuần nữa khi mà các chuỗi lây nhiễm, các ca dương tính mới vẫn đều đặn xuất hiện.
Đây là đợt dịch được đánh giá là nguy hiểm nhất với tốc độ lây lan cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Và cũng là lần đầu tiên Sài Gòn xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng như hiện nay.
Nếu như năm 2020, kinh tế Sài Gòn bị tổn hại thì năm nay thực sự là thấm đòn. Không kể đến những ngành nghề gần như tê liệt hoàn toàn do dịch từ năm ngoái như du lịch, khách sạn – nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí… các doanh nghiệp khác cũng bắt đầu không trụ nổi.
Tôi đang làm trong một công ty truyền thông nhỏ, với số lượng nhân viên dưới 10 người. Từ đợt dịch năm ngoái đến nay, công ty có vài ba tháng phải work from home, nhưng do số lượng nhân viên ít nên mọi người cũng cố gắng gồng gánh để bảo đảm lương bổng cho nhân viên. Tuy nhiên, năm nay, chỉ sau hai tuần giãn cách, ban lãnh đạo công ty đã bắt đầu nghĩ đến việc cắt giảm lương từ 20 – 30% và có thể còn tiếp tục giảm nếu tình hình không cải thiện.
Tôi nghĩ công ty tôi không phải công ty duy nhất mà hàng trăm, hàng ngàn công ty khác tại TP.HCM đã và đang cắt giảm nhân sự, giảm quỹ lương… thậm chí phá sản trước cơn bão Covid 19. Và hệ lụy của nó là kéo theo hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người thất nghiệp, nghèo đói.
Thật không dám nghĩ đến viễn cảnh đó…
Nhưng tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để mọi người sống chậm lại, tìm lại sự bình yên, kết nối trong chính bản thân và gia đình, bớt đi những bon chen, những lợi danh. Chỉ cần chúng ta không chết đói, chết bệnh… thì nghèo một chút cũng không sao.
Hãy cố lên Việt Nam ơi, cố lên Sài Gòn ơi.
Trên mạng xã hội mấy ngày nay có một bài viết được nhiều người share “Khi thành phố tổn thương” của tác giả Trịnh Sơn như sau:
Khi Thành Phố Tổn Thương..!
Khi Sài Gòn bị thương
Tôi thấy rất ít cánh tay của mọi miền chia sẻ
Thành Phố những ngày này đã có nhiều sứt mẻ
Thân thể con hổ cường tráng, quật cường kia cũng phải có lúc đuối đừ!
Trong ánh nhìn nhiều người Sài Gòn đủ đầy, thừa thãi, có dư
Là mặc định làm anh phải dang tay nâng đỡ
Khi Miền Trung mưa lũ kéo về sạt lở
Thì anh lớn Sài Gòn phải chở nặng sớt chia
Khi Miền Bắc bão chìm trong rét lạnh đêm khuya
Sài Gòn cũng phải đầm đìa mồ hôi góp sức.
Nhưng rồi những ngày thành phố này da sần lên đau nhức
Rất ít những cánh tay đưa lên
Đói-nghèo-thiếu thốn ư
Đó không phải là lý do để biện hộ
Mà chỉ vì thẳm sâu trong bộ não, trong tâm hồn loang lỗ
Người ta mặc định nghĩ rằng mình làm em chỉ nhận
Cho đi là thứ…không cần!
Con rồng nào rồi cũng có lúc phải bong gân
Cần ngơi nghỉ, cần vuốt ve chăm sóc
Cần thấu hiểu, sẻ chia sau một đời cực nhọc
Để mà ủi an.
Những ngày này tôi nhìn Sài Gòn thành phố vắng lỗ loang
Nhìn thấy bạn bè tôi đã dần đuối sức
Nhìn thấy…chỉ cần biết hiểu-biết thương là đau nhức đủ ủi an rồi.
Sài Gòn, thành phố sẽ vượt qua
Sẽ lại vươn vai gánh gồng cho hết thảy.”
Tôi thấy nhiều người share, hẳn nhiều người cũng đồng cảm khi sống trong thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu nghĩ rộng ra, nghĩ đến Bắc Giang, Bắc Ninh hay xa hơn là Ấn Độ và các nước khác thì chúng ta vẫn ổn. Và dù kinh tế thiệt hại khá nhiều, nhiều người giảm thu nhập, khó khăn đủ đường, nhưng chưa đến mức không có ăn như nhiều nơi. Vì vậy, tôi nghĩ, những dòng hờn trách trên chỉ là do tâm trạng đang sa sút. Chứ thật ra tôi thấy rằng người Việt Nam vẫn rất hào phóng, rất nhân ái, với tinh thần tương thân tương ái. Vì thế, tôi tin rằng mọi thứ sẽ ổn…
Pingback: Cảm ơn những thử thách đã giúp tôi trưởng thành - Đời Thay Đổi Khi Ta Thay Đổi