Chia sẻ
Có “hạnh phúc mãi mãi” hay không? Làm sao để hạnh phúc?
Theo khảo sát Hạnh phúc Thế giới năm 2024, ngay cả một nước phát triển như Mỹ cũng không nằm trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất.
Điều đó cho thấy, hạnh phúc không phải là giàu có, an sinh xã hội tốt mà còn nhiều yếu tố khác gộp thành. Một trong những nguyên nhân khiến người ta cảm thấy không hạnh phúc là sự căng thẳng, những nỗi khổ niềm đau mà chúng ta không thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trị liệu cho hay, một số sai lầm trong cách suy nghĩ về hạnh phúc cũng khiến chúng ta khó hạnh phúc.
Có nhiều người cho rằng, hạnh phúc là đích đến, là mục tiêu cuối cùng, là thứ chúng ta không thể có ngay bây giờ. Trên thực tế, chúng ta có thể vun đắp hạnh phúc mỗi ngày ngay cả khi chúng ta không đạt các mục tiêu đề ra.
Vậy tại sao chúng ta lại nghĩ khác? Tại sao chúng ta coi hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng?
Những suy nghĩ không chính xác về hạnh phúc
- Hạnh phúc chỉ đến sau khi đạt được mục tiêu
Trong xã hội trọng tiền bạc như hiện nay, thước đo thành công của mọi người chính là sự thành công về mặt công danh, sự nghiệp, tiền bạc. Vì vậy, nhiều người cho rằng chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu thành công, thành đạt và ổn định tài chính.
Theo chuyên gia trị liệu cho biết, tại Mỹ nhiều người được dạy rằng công việc và vui chơi phải tách biệt. Họ thường không ưu tiên nghỉ ngơi mà dành việc giải trí cho cuối tuần. Họ nghĩ rằng, hạnh phúc là thứ cần theo đuổi hoặc là thứ để dành cho sau này.
Bởi tư duy này, họ cho rằng phải luôn nỗ lực, luôn “sửa chữa” để đạt thành công. Ví dụ, để được công nhận, họ phải nỗ lực rèn luyện cơ thể cho thật đẹp theo đúng chuẩn xã hội. Hay họ phải thành công, thăng chức, tăng lương… thì hạnh phúc mới đến.
Tuy nhiên, sau khi đạt được điều này, họ lại phải đối mặt với sự thất vọng khi niềm vui, niềm hạnh phúc đó lại không hề kéo dài mãi mãi như họ tưởng tượng.
Aurisha Smolarski, nhà trị liệu có trụ sở tại Los Angeles chia sẻ “Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc trong giây lát khi đạt được một thành công, nhưng sau đó bạn ngay lập tức chuyển sang mục tiêu tiếp theo. Và bất cứ hạnh phúc nào bạn tìm thấy đều tan biến.”
- Cái kết “hạnh phúc mãi mãi”
Khi còn là một đứa trẻ, chắc không hiếm lần bạn được nghe kể chuyện cổ tích. Và ở cuối mỗi câu chuyện cổ tích, sau khi công chúa và hoàng tử gặp nhau, họ sẽ “Hạnh phúc mãi mãi” về sau.
Điều này khiến hệ tư tưởng của chúng ta bị đánh lừa. Và luôn suy nghĩ rằng, sau khi qua những khó khăn, trắc trở, cái kết cuối cùng là phần thưởng cho những nỗ lực đó chính là “Hạnh phúc mãi mãi”
Suy nghĩ này rất nguy hiểm và đã đánh lừa biết bao người, nhất là những cô gái nhỏ, khi cho rằng, chỉ cần đạt được mục tiêu là kiếm được một chàng hoàng tử thì mình sẽ “Hạnh phúc mãi mãi”.
Trong khi đó, cuộc sống là vô thường, là luôn biến động, nên cái gọi là mãi mãi sẽ không bao giờ xảy ra.
- Hạnh phúc là ở tương lai chứ không phải hiện tại
Về cơ bản, đôi khi suy nghĩ rằng, hạnh phúc là điều gì đó sắp xảy ra khiến chúng ta có thêm niềm hy vọng vào cuộc sống.
Ví dụ, bạn đang trải qua những thất vọng trong mối quan hệ, công việc, đang không có tiền, đang thất nghiệp… và cảm thấy chán nản. Lúc này, bạn mơ về tương lai, khi mọi thứ ổn định hơn thì hẳn bạn sẽ hạnh phúc hơn. Điều này không sai, và nó giúp bảo vệ cho chúng ta trước những khó khăn của cuộc sống.
Tess Brigham , một nhà trị liệu được cấp phép, huấn luyện viên được chứng nhận cho biết: “Theo nhiều cách, sống trong tương lai sẽ dễ dàng hơn, bởi vì nếu bạn không hạnh phúc ở thời điểm hiện tại, thì tất cả những gì bạn cần làm là nghĩ xem cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn như thế nào khi bạn giảm cân, kiếm được nhiều tiền hơn, có một người bạn đời, sở hữu một ngôi nhà, v.v.”,
Bên cạnh mặt tích cực, niềm tin này lại khiến bạn cho rằng hiện tại mình không thể hạnh phúc Dù đôi khi bạn vẫn luôn được khuyến khích để đạt đến thành công…
Có bao giờ bạn nghe ba mẹ hoặc chính bản thân bạn nói với con cái rằng: “Hãy nỗ lực học tập để sau này kiếm một công việc tốt”, “Có công việc tốt, kiếm nhiều tiền, con sẽ sống vui vẻ và hạnh phúc…”
“Chúng ta được bảo rằng chúng ta phải làm những điều mà chúng ta không muốn làm và không thích để tương lai của chúng ta sẽ được hạnh phúc.”, Brigham chia sẻ.
Nhà trị liệu Hayli Evans cho biết: “Việc trì hoãn sự hưởng thụ thường xuyên sẽ làm tăng xung lực khiến chúng ta tê liệt bản thân khi cảm thấy quá tải hoặc quá căng thẳng để hoạt động”.
Tại sao việc coi hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng là sai lầm?
Đầu tiên, kiểu suy nghĩ này khiến chúng ta dễ cảm thấy không vui hơn.
Cuộc sống hàng ngày với bao nhiêu là trách nhiệm sẽ cướp đi niềm vui của bạn trong hiện tại. Với hàng list công việc cần phải làm, bạn có thể cảm thấy kiệt sức, cảm thấy mình không thể nào hoàn thành được những mục tiêu để đạt đến hạnh phúc.
Và thế là hạnh phúc cứ vuột khỏi tầm tay bạn.
Bên cạnh việc cướp đi niềm vui của thời điểm hiện tại, suy nghĩ này có thể dẫn đến vô số cảm xúc tiêu cực.
Evans nói: “Cuối cùng, chúng ta trở nên lo lắng hơn, chán nản hơn và ít hài lòng hơn trong cuộc sống của mình”. “Việc trì hoãn sự hưởng thụ thường xuyên sẽ làm tăng xung lực khiến chúng ta tê liệt bản thân khi cảm thấy quá tải hoặc quá căng thẳng.”
Và khi quá căng thẳng, mệt mỏi, mọi người có thể có những hành động tiêu cực như sử dụng các chất gây nghiện, chất kích thích để giúp mình cảm thấy thoải mái hơn.
Tiếp theo, suy nghĩ này khiến nhiều người không thể có được những mối quan hệ lành mạnh, thân mật. Họ có thể cố gắng né tránh các cuộc tranh cãi với hy vọng làm vừa lòng mọi người.
Ngoài ra, nếu bạn đặt quá nhiều áp lực lên ý tưởng về hạnh phúc và mong đợi sự hoàn hảo, bạn có thể khó có thể cảm thấy mình sẽ đạt được hạnh phúc.
Smolarski nói: “Bởi vì chúng ta không thể duy trì được hạnh phúc nên chúng ta luôn phải đối mặt với cảm giác rằng mình đã thất bại”. “Trên thực tế, điều đã xảy ra là chúng ta đã mất liên lạc với trạng thái hiện hữu, trong đó chúng ta hài lòng với những gì hiện có.”
Cuối cùng, tâm lý này ngăn cản bạn sống cuộc sống hiện tại. Bạn đã bao giờ nhìn lại bức ảnh cơ thể mình nhiều năm trước hoặc nhớ lại một kỷ niệm và ước mình trân trọng nó hơn chưa? Rất nhiều người luôn thấy bản thân mình trong giây phút hiện tại còn nhiều thiếu sót và cố gắng để hoàn thiện trong tương lai. Thế nhưng, cứ mải miết theo đuổi như vậy khiến chúng ta dễ dàng mắc kẹt trong sự bất mãn.
Brigham nói: “Điều đó vô ích vì bạn không thực sự sống. “Cuộc sống của bạn đang diễn ra ngay bây giờ nhưng bạn lại cứ sống trong quá khứ hay lo lắng tương lai. Bạn không cho phép mình tận hưởng khoảnh khắc hiện tại và tận hưởng những gì bạn đang trải qua.”
Biết rằng hạnh phúc liên tục không phải là mục tiêu và cho phép bản thân biết ơn những khoảnh khắc nhỏ bé sẽ làm tăng niềm vui nhận thức của bạn.
Những cách tốt hơn để cảm thấy hạnh phúc
Có một số giải pháp, cả trước mắt lẫn lâu dài, có thể giúp bạn nghĩ khác về hạnh phúc và cảm nhận nó thường xuyên hơn. Chúng bao gồm:
Nhận thức được rằng hạnh phúc có thể tồn tại bất cứ lúc nào
Trong thời điểm khó khăn, có thể chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để cảm thấy hạnh phúc. Nhưng điều này có thể làm được.
Các chuyên gia và các nhà truyền giáo đều tin rằng “Hạnh phúc tồn tại ngay khi chúng ta trải nghiệm cuộc sống”. Thông qua chánh niệm, thông qua cách chúng ta cảm nhận cuộc sống, chúng ta có thể điều chỉnh niềm vui, lòng biết ơn – những điều góp phần tạo nên cái gọi là “hạnh phúc”.
Cách đơn giản nhất để bạn “hạnh phúc” chính là trân trọng cuộc sống, biết ơn cuộc sống. Mỗi ngày, hãy cảm ơn vì mình vẫn còn sống, mình vẫn còn thở, mình vẫn khỏe mạnh, mình vẫn có việc làm… Tóm lại, hãy liệt kê những gì bạn có, và trân trọng nó.
Hãy nhớ, ngay cả khi đau khổ nhất, bạn vẫn có thể cảm ơn vì mình còn sống. Sống chính là một món quà vô giá của cuộc sống này rồi.
Bạn cũng có thể ra ngoài, cảm nhận thiên nhiên, dành chút thời gian để hòa mình vào tự nhiên, đón những ngọn gió, ngắm nhìn những bông hoa… Và bạn sẽ thấy cảm xúc yêu thương, thỏa mãn, hạnh phúc trào dâng trong bạn.
Biết rằng hạnh phúc liên tục không thực sự là mục tiêu
Cảm xúc luôn thay đổi và tất cả đều có mục đích. Ví dụ, sự tức giận cho chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn.
Evans nói: “Chúng ta cần trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc. “Tuy nhiên, nếu nhận thấy mình đang ngồi trong trạng thái căng thẳng, buồn bã, lo lắng và không cho phép mình trải nghiệm hạnh phúc, thì cần phải điều tra xem chuyện gì đang xảy ra.” Cô ấy cho biết, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hoặc các chuyên gia nếu thường xuyên cảm thấy những cảm xúc tiêu cực.
Và cảm giác hạnh phúc liên tục sẽ không thực sự tuyệt vời như nhiều người tưởng.
Bởi lẽ, nếu chúng ta hạnh phúc từng giây mỗi ngày, chúng ta sẽ coi đó là điều hiển nhiên và trở nên nhàm chán với cảm giác đó. Chúng ta sẽ lại muốn tìm kiếm một cảm giác gì đó kích thích hơn để cảm thấy rằng mình còn sống.
Đó là nguyên nhân nhiều gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, chồng/vợ tuyệt vời họ vẫn ra ngoại tình hay tìm kiếm thú vui bên ngoài. Bởi vì họ hạnh phúc đến nhàm chán và muốn tìm kiếm những điều thú vị hơn.
Xem xét các quan điểm khác
Bạn có nhận thức về hạnh phúc là gì hoặc ý tưởng về việc khi nào bạn có thể hoặc không thể cảm nhận được nó, điều đó có thể đang cản trở bạn không?
Evans nói: “Việc thay đổi suy nghĩ về hạnh phúc và về thời điểm hiện tại có thể giúp chúng ta cho phép trải nghiệm nó thường xuyên hơn”.
Hãy chú ý hơn đến thời điểm hiện tại và thực hành lòng biết ơn.
Evans cho biết mục đích là “có mặt ở đây ngay bây giờ”. Đi bộ trong im lặng , thiền, hít thở và viết nhật ký đều là những cách để thực hành điều này. Trong suốt quá trình, Evans khuyến khích chú ý và khám phá bất kỳ suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể nào nảy sinh.
Ngoài ra, lòng biết ơn có thể mang lại hạnh phúc thông qua những hành động và mục tiêu tương tự, chẳng hạn như viết nhật ký, tâm linh, đưa tâm trí của bạn về hiện tại và liệt kê những điều bạn biết ơn – ví dụ: một người bạn luôn hỗ trợ, một căn hộ hoặc một ngày nắng.
Sau đó, Evans nói rằng “hãy dành một chút thời gian để thực sự cảm nhận được lòng biết ơn đó như thế nào. Hãy để ý phản ứng của cơ thể bạn đối với lòng biết ơn.”
Chấp nhận bất cứ cảm giác nào đến với bạn
Khi chúng ta có một cảm xúc mà chúng ta không muốn cảm nhận ví dụ chán nản, buồn bã… chúng ta dễ cảm thấy xấu hổ hoặc thất vọng với bản thân. Thế nhưng hãy thử suy nghĩ khác đi.
Hãy thử chấp nhận những cảm xúc này như một phần của con người mình, không phán xét, bao dung và từ bi với bản thân. Maenpaa khuyên: “Thay vì chiến đấu với những cảm giác tiêu cực, hãy chấp nhận chúng” và điều này sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
Viết nhật ký bằng giấy và bút
Maenpaa cho biết nghiên cứu cho thấy rằng việc viết ra mọi thứ sẽ kích hoạt các phần của não mà việc gõ phím không làm được.
Cô nói: “Việc viết ra những lo lắng và sợ hãi thực sự giải phóng chúng khỏi những ký ức của chúng ta, cho phép chúng ta cảm nhận chúng bằng những suy nghĩ mới, những suy nghĩ có thể hạnh phúc hơn và bổ ích hơn”.
Tạo ra những thói quen hàng ngày có ý nghĩa
Trước tiên, hãy xem xét điều gì khiến bạn hạnh phúc và phù hợp với mục đích của bạn (nếu bạn biết điều đó là gì). Sau đó, suy nghĩ cách biến điều đó thành một nghi lễ.
Smolarski gợi ý: “Hãy tập trung vào những điều nhỏ nhặt, chẳng hạn như một tách cà phê buổi sáng, ôm con bạn, viết nửa giờ mỗi ngày, khắc phục sự cố hệ thống ống nước hoặc lên kế hoạch cho một buổi tối hẹn hò với người yêu”.
Nhắc nhở bản thân về những gì bạn có thể kiểm soát
Hạnh phúc được tạo ra từ bên trong chúng ta, nhưng nó có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bên ngoài. Ví dụ, sự phản bội của một người bạn hay các vấn đề về sức khỏe, áp lực trong công việc… Bạn có thể xác nhận điều đó và điều chỉnh nó.
Nếu bạn biết những điều gì khiến mình không vui bạn có thể điều chỉnh nó. Hoặc những điều gì làm bạn thấy vui bạn cũng có thể thực hiện ngay bây giờ.
Đơn giản như một cái ôm khiến bạn thấy ấm áp, hạnh phúc. Hãy luôn tranh thủ mọi lúc có thể để ôm người thân yêu của mình. Điều này có thể giúp bạn chống lại trầm cảm, đau buồn.
Còn nếu điều khiến bạn hạnh phúc hay bất hạnh lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn thì bạn có thể cảm nhận và chấp nhận nó.
Một chuyên gia cho chia sẻ: “Khi tôi cảm thấy buồn và tôi không thể làm gì được, tôi luôn trấn an mình mình bằng cách suy nghĩ “rồi mọi chuyện sẽ qua”. Và thực sự điều này có thể giúp bạn vượt qua và xử lý cảm xúc của mình nhanh hơn.
Tóm lại, đừng đợi đến khi kết hôn hay thăng chức mới hạnh phúc. Hãy thực hiện những hành động vui vẻ nho nhỏ mỗi ngày với lòng biết ơn. Và cảm nhận hạnh phúc mỗi ngày bạn nhé