Đọc - Ăn - Chơi

Tôn trọng là cách để cha mẹ trở thành “bạn” của con

Published on

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện liên quan đến vấn đề giáo dục con cái.

Tôn trọng là cách để cha mẹ trở thành “bạn” của con

Để có thể chăm sóc một đứa trẻ tốt, cha mẹ đều mong muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện với con. Từ đó giúp con cảm thấy thoải mái chia sẻ mọi điều, hỗ trợ con trưởng thành thông qua kinh nghiệm và bài học từ cuộc sống.

Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn trẻ  thường trải qua sự biến đổi về cả thể chất và tâm lý.

Đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì, khi xuất hiện nhiều vấn đề giao tiếp và tương tác phức tạp giữa trẻ và gia đình.

Chị Nguyễn Thị Nga (TP.Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình chuyển từ cấp một lên cấp hai, là giai đoạn mà các bé thường trở nên bướng bỉnh nhất. Trong thời gian này, tính cách của các bé thường có sự thay đổi và thường muốn thể hiện bản thân một cách rõ ràng hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn An Thanh, chuyên gia giáo dục, cho biết: “Sự thay đổi về tâm sinh lý của các con thật sự rất lớn.

“Các con muốn thể hiện cái ‘tôi’ của mình nhiều hơn và mong muốn có thời gian riêng tư, trong khi cha mẹ thường không cập nhật và hiểu vấn đề này. Nguyên nhân nằm ở cả hai phía, không chỉ ở con mà còn ở cha mẹ. Cha mẹ thường nghĩ ngược lại với con, cho rằng với tuổi tác của mình, họ biết hết và mọi quyết định của họ sẽ tốt. Tuy nhiên, suy nghĩ này có thể tạo ra sự xa cách và gây khó khăn trong giao tiếp giữa cha mẹ và con”.

Vai trò của cha mẹ trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ rất quan trọng. Ngoài việc chăm sóc và bảo vệ, họ cần phải là người bạn đồng hành của con, hiểu biết và đồng cảm với những thay đổi tâm lý của con. Cha mẹ cần tạo điều kiện để con chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách tự nhiên, và từ đó hướng dẫn con đi theo hướng tích cực nhất.

Quan trọng hơn, cha mẹ không nên luôn áp đặt và yêu cầu con phải hoàn hảo. Thay vào đó, hãy khích lệ con bằng những lời động viên, khẳng định những điểm mạnh của con để tạo ra một môi trường tích cực, giúp con cảm thấy tự tin và được tôn trọng.

Xem thêm: Clip Tôn trọng là cách để cha mẹ trở thành “bạn” của con: 

Có nên trả tiền để con làm việc nhà?

Cùng với nhà trường và xã hội giáo dục, gia đình là then chốt trong việc hình thành nhân cách của trẻ, một trong những cách hiệu quả để phát triển kỹ năng sống và tạo dựng nhân cách cho trẻ chính là khuyến khích các bé làm những việc nhỏ như một số việc nhà đơn giản, nhưng điều thường thấy ở nhiều gia đình là cha mẹ trả tiền để trẻ làm việc nhà.

Nhiều bậc phụ huynh trả tiền cho con mỗi khi làm việc nhà, được xem là một khoảng lương để trẻ tiêu vặt hoặc để dành mua sắm những món đồ mà con yêu thích. Đồng thời cho rằng điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy xứng đáng được nhận lấy vì hoàn thành trách nhiệm.

Chị Hồ Diễm Phương (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Theo tôi, việc thưởng cho con sau mỗi công việc là điều cần thiết. Điều này giúp con có động lực và sẵn lòng làm việc hơn. Có những lúc, con thậm chí còn muốn làm thêm công việc chỉ để được thưởng”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Phụ huynh nên dành thời gian kết nối với con. Mối quan hệ này không chỉ giúp con phát triển phẩm chất và kỹ năng, mà còn giúp hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các hoạt động hàng ngày. Trong giao việc nhà, phụ huynh nên tập trung vào việc giải thích và tương tác thay vì thưởng tiền. Điều này giúp xây dựng sự tự lập từ bên trong, giúp con nhận thức được giá trị thực sự của công việc đang thực hiện”.

Việc trả tiền để trẻ làm việc nhà, cũng có một số ưu điểm nhất định như thúc đẩy khả năng làm việc nhà của trẻ, thay vì phải nhắc đi nhắc lại những việc trẻ phải làm mỗi ngày. Trả tiền có thể giúp trẻ tự giác hơn, một ưu điểm khác là giúp trẻ thấu hiểu ý nghĩa của việc kiếm tiền, hiểu được để có được mọi thứ trong cuộc sống ai cũng phải nỗ lực làm việc. Tuy nhiên, việc nhà còn là bổn phận, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Mọi người trong nhà cần phải san sẻ việc nhà cho nhau để cùng gắn kết tình cảm.

Xem thêm: Clip Có nên trả tiền để con làm việc nhà?  

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.

Đọc thêm:

Nói lời tích cực với người thân

Click to comment

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky