Lượm lặt

Khi bị bạo hành, đứa trẻ không bớt yêu ba mẹ mà chúng bớt yêu chính bản thân mình

Published on

Tôi có mua một khóa học online khá nổi tiếng trên mạng về dạy con. Hôm đó, tôi vừa nằm cho con ngủ, vừa tranh thủ cắm phone vào nghe. Thầy giáo bắt đầu buổi học bằng một video về một người mẹ Trung Quốc dạy con.

Video vừa phát, ngay lập tức đập vào tai là những tiếng rủa xả và tiếng roi vun vút không ngừng. Một cô bé con khoảng chừng 4-5 tuổi, nép sát vào chân tường, dường như đã bị dồn vào đường cùng, tiếng khóc thét vang lên xen lẫn tiếng roi, cả cơ thể run bần bật như một chú gà con quắt queo giữa cơn mưa roi vọt. Tôi cắn răng, quay mặt đi vì không đủ dũng khí để tiếp tục nhìn.


Đâu đó trên mạng, trong những topic về giáo dục con cái, tôi vẫn thấy có những ý kiến ủng hộ roi vọt: “nhờ đòn roi mà tôi mới nên người”, “con hư quá thì phải đánh cho nó chừa”, “không đánh thì nó không biết là nó sai”. Nhưng với tôi, bạo lực không bao giờ đồng nghĩa với giáo dục.

Con cái chúng ta sẽ học được gì qua những trận đòn roi? Rằng thì không làm việc này không phải bởi vì việc đó sai, mà bởi vì làm thì sẽ bị bố mẹ đánh? Chuyện gì sẽ xảy ra khi đứa con của bạn một ngày nào đó cao lớn hơn bạn, vẫn làm sai nhưng không còn sợ chiếc roi trong tay bạn?

Rằng chúng ta có quyền đánh người khác nếu người đó sai? Vậy bạn nghĩ sao nếu một ngày cô con gái của bạn bị chồng đánh túi bụi mà vẫn cho rằng mình xứng đáng bị đánh vì mình có lỗi?

Con người dẫu trải qua hàng triệu năm tiến hóa để trở thành động vật cao cấp thì sâu bên trong chúng ta vẫn luôn tồn tại cơ chế sinh tồn đầy bản năng. Khi đứng trước một tình huống gây căng thẳng, sợ hãi (bị đánh), adrenalin được tiết ra, tim đập nhanh hơn cung cấp oxi cho não và cơ bắp, đồng tử giãn ra, huyết áp tăng, giảm nhu động ruột. Toàn bộ cơ thể chuyển sang trạng thái sẵn sàng. Bộ não sẽ cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng, chiến đấu họăc bỏ chạy. Nếu không thể chiến đấu hay bỏ chạy, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng stress, tuyến thượng thận sẽ tiết ra cortisol. Nồng độ cortisol cao duy trì trong một thời gian dài dẫn tới tình trạng suy giảm miễn dịch, đau bao tử và hàng loạt vấn đề tâm lý khác.

Khi mới ra trường, tôi đã từng làm cho một công ty với mức lương khá ổn nhưng môi trường làm việc cực kỳ căng thẳng. Tôi đã duy trì công việc đó trong khoảng 2 năm. Một ngày nọ, tôi vô tình nhận ra vai và cổ mình luôn có xu hướng co cứng lại, lông mày luôn cau một cách vô thức, hay soi mói phán xét. Suốt 2 năm làm việc, tôi không dám ốm. Nhưng ngay tuần đầu tiên sau khi nghỉ việc, tôi lăn ra ốm, sụt mất 3kg, huyết áp tụt, người xanh rớt. Cơ thể tôi đã biểu tình chống lại tất cả những gì nó phải chịu suốt 2 năm vừa qua. Mất một thời gian sau đó tôi mới trở về bình thường, khuôn mặt giãn ra hơn, tính tình dễ chịu vui vẻ trở lại.

Khi gặp stress trong công việc, dẫu sao chúng ta vẫn có thể quyết định bỏ việc. Xung đột với chồng, chúng ta có thể bỏ chồng. Nhưng con cái chúng ta, chúng không thể lựa chọn bỏ cha mẹ.

Đây chính là bi kịch của những đứa trẻ bị bạo hành. Chúng buộc phải yêu thương người đã làm tổn thương chúng. Chúng không có cách nào để ghét bỏ cha mẹ. Thay vào đó, chúng tự ghét bỏ bản thân mình.

Mỗi khi vô tình nghe lại câu này, đôi lúc tôi vẫn vô thức rơm rớm nước mắt, tôi nghĩ tới cô con gái bé nhỏ của tôi. Con bé yêu tôi bằng 1 tình yêu dịu dàng và thuần khiết nhất trên đời, vì cớ gì mà tôi lại có thể nỡ làm tổn thương con bé chứ?

Vì cớ gì mà những người lớn chúng ta có thể làm tổn thương con mình mà vẫn coi đó là điều đúng đắn được?
Cũng trong buổi học hôm đó, thầy giáo yêu cầu cả lớp ngồi xuống, cả gian phòng yên lặng, chỉ còn tiếng nhạc thiền và tiếng hướng dẫn của thầy, đưa mọi người quay về hồi ức của những trận đòn roi năm xưa. Đâu đó trong gian phòng bỗng bật lên một vài tiếng khóc nức nở. Tôi biết, đó chính là giọt nước mắt của đứa trẻ năm nào bé nhỏ bơ vơ dưới cơn mưa đòn roi và tiếng xỉ vả của cha mẹ.

Tôi không biết hành trình chữa lành của những học viên trong khóa học ấy hiện ra sao, có thể có người đã tìm được sự bình an trong tâm hồn, có người thì vẫn đang chật vật học cách yêu thương, tha thứ và vỗ về đứa trẻ bên trong mình. Nhưng tôi tin rằng cuộc đời họ cũng như cuộc đời con họ chắc chắn sẽ thay đổi, theo chiều hướng tích cực hơn, bởi đứa trẻ bên trong họ đã bắt đầu được lắng nghe.

“Hãy ôm đứa bé vào lòng với tất cả sự trìu mến và hứa rằng từ nay trở đi sẽ không bao giờ phụ bạc, bỏ rơi bé nữa.”

Sưu tầm trên mạng (trích Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Click to comment

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky