Suy nghĩ tích cực về tương lai là một công cụ ít được sử dụng để xây dựng sức khỏe cảm xúc.
Trong thế giới sức khỏe tâm thần và phát triển bản thân, cụm từ “sống trong khoảnh khắc” (chánh niệm) thường được coi là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc.
Điều này chắc chắn đúng đắn và có giá trị. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu khoa học cho thấy việc dự đoán tích cực về tương lai cũng là một cách hiệu quả cao để tạo ra những cảm xúc tích cực và nâng cao hạnh phúc. Tuy nhiên, nó hiếm khi được sử dụng như một phương pháp phù hợp khi mọi người đang cố gắng cải thiện cảm giác của mình.
Một lý do quan trọng khiến việc suy nghĩ về tương lai nâng cao cảm xúc hạnh phúc là do phần lớn bộ não được dành cho việc dự đoán các phần thưởng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dự đoán các sự kiện trong tương lai có thể mang lại cảm giác thú vị hơn chính các sự kiện đó.
Nghĩ về tương lai liên quan đến việc mô phỏng trong đầu các tình huống tương lai, kích hoạt hệ thống khen thưởng của não và giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến niềm vui và hạnh phúc.
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ ở bãi biển. Ý nghĩ thư giãn bên bờ biển, cảm nhận cát giữa các ngón chân và tận hưởng ánh nắng mặt trời có thể mang lại nụ cười trên khuôn mặt bạn nhiều tháng trước khi bạn thực sự đi. Sự mong đợi của chuyến đi mang đến một khoảng thời gian dài hứng thú và nhiệt tình.
Tương tự, con gái tôi thường rất háo hức đến sinh nhật của bé hoặc kỳ nghỉ Giáng Sinh. Đơn giản bé rất thích được tặng quà cũng như những hoạt động vui chơi trong những dịp này. Vì thế, trước sinh nhật gần cả tháng trời bé vô cùng háo hức chuẩn bị cho dịp đặc biệt này bằng cách tưởng tượng ra bữa tiệc sẽ vui như thế nào, bạn bè sẽ tặng cho bé những phần quà gì…
Và câu cửa miệng của bé khi nào cũng là “Khi nào mới đến sinh nhật con?”, “Ôi sao lâu đến sinh nhật con thế này”. Và cảm giác mong chờ của bé kéo dài đến tận ngày sinh nhật.
Chúng tôi luôn nói với con, thật ra thời gian trước khi diễn ra sự kiện mới là thời gian vui vẻ nhất. Còn khi sự kiện đến, nó chỉ kéo dài không quá 3 tiếng và niềm vui cũng không thể kéo dài quá một ngày sau đó.
Chìa khóa để sử dụng tư duy về tương lai theo cách khiến bạn cảm thấy thoải mái là tập trung vào điều bạn mong muốn hoặc kết quả mong muốn. Nếu bạn tưởng tượng mình đang tận hưởng một kỳ nghỉ tuyệt đẹp trên bãi biển và sau đó bắt đầu nghĩ đến việc không đủ khả năng chi trả thì điều đó sẽ tạo ra cảm xúc tiêu cực thay vì tích cực như mong muốn.
Vì thế, để thay đổi cảm xúc của mình, giúp việc suy nghĩ về tương lai mang lại nhiều tính tích cực hơn thì bạn có thể tham khảo các bước sau:
Thường xuyên lên kế hoạch cho các hoạt động thú vị: Tương lai không cần phải quá xa vời hay một tham vọng lớn lao. Bạn có thể suy nghĩ và lên kế hoạch một bữa ăn ngon trong nhà hàng với bạn bè hoặc đi dạo ở một địa điểm có phong cảnh đẹp.
Lên kế hoạch cho các hoạt động thường xuyên mà bạn yêu thích và mong đợi là một kỹ năng sống quan trọng để duy trì tư duy tích cực. Cho dù đó là một buổi hẹn hò cà phê hàng tuần với một người bạn yêu thích, một chuyến đi bộ đường dài hàng tháng hay một chuyến du lịch hàng năm cùng gia đình, việc có một điều gì đó trên lịch sẽ mang đến cho bạn điều gì đó tích cực để mong đợi.
Tạo Bảng khát vọng: Để tạo ra một bức tranh lớn hơn về những sự kiện tích cực trong cuộc sống, hãy thu thập những hình ảnh và từ ngữ thể hiện ước mơ và mục tiêu của bạn. Sắp xếp chúng trên một tấm bảng nơi bạn có thể nhìn thấy chúng hàng ngày.
Lời nhắc trực quan này giúp bạn tập trung vào những gì bạn đang mong đợi và có thể thúc đẩy động lực và hạnh phúc hàng ngày của bạn. Đừng lo lắng về việc bạn sẽ hoàn thành những điều đó như thế nào, bộ não của bạn sẽ bắt đầu lên ý tưởng và giúp bạn lập ra các kế hoạch, miễn là bạn tin rằng mục tiêu là có thể.
Đặt các mục tiêu nhỏ, cụ thể, có thể đạt được: Chia các mục tiêu dài hạn của bạn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Ví dụ: nếu bạn muốn viết một cuốn sách, hãy bắt đầu với mục tiêu viết 500 từ mỗi ngày. Những chiến thắng nhỏ này sẽ tạo động lực và khiến bạn hào hứng với sự tiến bộ của mình.
Hình dung những kết quả tích cực: Dành vài phút mỗi ngày để hình dung bản thân đang đạt được mục tiêu. Hãy hình dung các chi tiết, cảm nhận cảm xúc và đắm mình vào trải nghiệm. Kết hợp điều này với việc thấy bản thân thực hiện một số bước để đạt được mục tiêu.
Việc suy nghĩ, mô phỏng về quá trình thực hiện cũng như kết quả đạt được những điều mình mong muốn không chỉ giúp bạn cảm thấy tích cực mà còn giúp cho việc thực hiện nó trở nên dễ dàng hơn.
Viết nhật ký về lòng biết ơn với sự thay đổi trong tương lai: Trong khi nhật ký về lòng biết ơn thường tập trung vào hiện tại, hãy thử thêm thắt vào tương lai. Viết về những điều bạn biết ơn hiện tại và những điều bạn mong đợi.
Ví dụ: “Tôi biết ơn sức khỏe của mình ngày hôm nay và rất hào hứng với khóa học yoga sắp tới”. Đừng quên cảm nhận cảm xúc. Hãy nhớ rằng, lòng biết ơn không phải là một bài tập trí tuệ mà nó là một cảm xúc thực sự.
Suy nghĩ về tương lai là một công cụ chăm sóc sức khỏe quan trọng mà bạn có thể sử dụng để nâng cao sức khỏe cảm xúc của mình.
Bằng cách đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch cho các hoạt động thú vị và hình dung ra những kết quả tích cực, bạn có thể khai thác sức mạnh dự đoán của tâm trí để tăng cường hạnh phúc và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung.
Đọc thêm:
Bạn cần bao nhiêu thời gian rảnh rỗi để hạnh phúc