Với nhiều người, làm sao để nói ra điều không hài lòng rất khó.
Nhiều khi vì không biết cách làm sao để nói điều không hài lòng mà khiến mối quan hệ tan vỡ
Với những người có đối tác là người nhạy cảm, dễ tổn thương thì việc “lựa lời mà nói” rất quan trọng để duy trì mối quan hệ đôi bên.
Ví dụ tình huống thế này: Một người vợ vừa phải đi làm, vừa phải về nhà lo cơm nước cho chồng con, giặt giũ, dọn nhà, dạy con học…trong khi người chồng về đến nhà thì chỉ ngồi xem tivi, ăn xong thì đi ngủ, không hỏi han cũng không giúp đỡ người vợ.
Người vợ có thể sẽ phản ứng theo 1 trong 2 cách sau:
- 1: Vì đã quá mệt mỏi với một người chồng vô tâm nên quyết định nói thẳng với người chồng: “Em thực sự rất thất vọng về anh”
- 2: Coi đây là chuyện thường xảy ra trong nhiều gia đinh, không muốn mối quan hệ vợ chồng quá căng thẳng, để người ngoài nhìn vào thì không hay rồi sẽ ảnh hưởng đến cả con cái nữa nên chỉ bất lực chịu đựng, cư xử như không có gì xảy ra.
Bạn hình dung tiếp về những hậu quả tiếp sau đó của cả 2 cách này nhé. Liệu cách 1 hay cách 2 có giải quyết được vấn đề một cách tận gốc không?
Nếu có một cách khác giúp bạn vẫn có thể nói ra vấn đề mình không hài lòng ở đối phương mà không khiến họ tổn thương thì sao?
Bộ não con người tạm chia làm 3 phần, trong đó:
- Phần ngoài chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, thông tin, tư duy logic, nói chuyện, suy nghĩ, chuyển động, học hỏi
- Phần giữa chịu trách nhiệm về cảm xúc, ghi nhớ những tương tác với người khác
- Phần trong cùng chịu trách nhiệm về trực giác, niềm tin
Theo dòng thời gian thì phần ngoài được hình thành muộn nhất tiếp đến là phần giữa rồi đến phần trong. Cấu tạo của bộ não cho ta thấy những phần liên quan đến ngôn ngữ, tư duy, suy luận logic…là những thứ hình thành muộn nhất trong quá trình tiến hoá của con người. Chính cảm xúc, niềm tin mới là những động lực mạnh mẽ nhất khiến người ta hành động. Cái này đã được nghiên cứu và nói rất nhiều đặc biệt trong những bài hướng dẫn bán hàng, chốt sale, luôn dạy ta phải đánh vào cảm xúc của khách hàng vì cảm xúc mới thứ thúc đẩy khách mua hàng. Sau khi đã mua rồi mà ai hỏi lý do thì họ chỉ đơn giản dùng những cái cớ để hợp lý hoá quyết định mua hàng của mình mà thôi.
Quay lại với tình huống trên, ở đây bạn cũng có thể áp dụng cách đó. Bạn có thể nói cách xử lý 1 cũng là đánh vào cảm xúc rồi, khi người vợ nói: “Em thực sự rất thất vọng về anh”. Thất vọng đúng là cảm xúc nhưng cách nói như trên sẽ khiến người chồng cảm thấy mình bị đổ lỗi vì đã làm sai điều gì đó. Họ sẽ cảm thấy như thể mình đang bị “tấn công” và sẽ sinh ra phản ứng phòng vệ.
Cách để nói ra vấn đề mình không hài lòng ở đối phương mà không khiến họ tổn thương sẽ kiểu như sau: “Thời gian này, em cảm thấy rất áp lực khi vừa cố gắng hoàn thành công việc ở công ty vừa cố làm sao để chăm sóc tốt nhất cho con cái, cho anh, cho gia đình của chúng ta. Em đã cố nhưng em cảm thấy mình đang bị kiệt sức. Em cảm thấy thực sự khó khăn khi không nghĩ mình có thể chia sẻ vấn đề này với ai ngoài anh. Anh có thể giúp em được không?…”
Đoạn trên tớ viết chưa hay lắm nhưng cách nói nó sẽ như sau:
- Bước 1: Đặt câu hỏi: “Cậu đang cảm thấy như thế nào”, “Tại sao cậu lại cảm thấy như vậy”?
- Bước 2: Xác định mục tiêu khi cậu nói ra những điều này: Cậu muốn đối phương hành động như thế nào? (giúp đỡ cậu hay đồng hành cùng cậu,…)
Lưu ý: Khi nói hãy dùng ngôi thứ nhất (tôi, em, tớ,…) nhiều nhất có thể. Cậu đang cố nói để người kia hiểu được cảm xúc của mình nên hãy chỉ nói về mình thôi, đừng nói về họ.
Trên đây là phần chia sẻ của một bạn trên facebook mà tôi thấy khá hữu ích vì tôi cũng đã từng ứng dụng cách nói khi muốn xây dựng lại mối quan hệ với ông xã và khá thành công.
Trước đây, tôi cứ nghĩ, nói thẳng ra điều không hài lòng của mình là tốt. Tuy nhiên, điều này khiến chồng tôi nghĩ rằng tôi đang chỉ trích anh ấy và bật chế độ tự phòng vệ. Vì thế, cuộc nói chuyện chỉ kéo dài 5 phút đầu, tiếp theo là vài ba giờ cãi vã giữa hai vợ chồng. Sự việc kéo dài khiến mối quan hệ của chúng tôi trở nên hết sức căng thẳng.
Cho đến một ngày, tôi quyết định thay đổi cách nói. Tôi nói: “Hôm nay em chỉ muốn nói về cảm xúc của em. Điều này hoàn toàn không liên quan đến anh. Em chỉ muốn tâm sự như một người bạn về những vấn đề em gặp phải mà thôi.”
Tôi nhấn đi nhấn lại rằng, tất cả cảm xúc có thể là do tôi tự nghĩ, không phải lỗi của anh ấy. Tôi không có ý trách móc hay gì mà chỉ muốn nói ra cảm xúc của mình và nếu điều đó khiến anh ấy không vui thì tôi xin lỗi.
Và thật bất ngờ, như có phép màu, thái độ của ông xã tôi thay đổi hẳn. Đó là hôm chúng tôi có thể trò chuyện với nhau suốt 2 tiếng đồng hồ mà không một lời trách móc, chỉ trích, chỉ có yêu thương và tôn trọng.
Đó là buổi nói chuyện mở đầu cho rất nhiều buổi trò chuyện thân mật giữa chúng tôi, như hai người bạn, như hai người thân.
Từ đó, tôi hiểu rằng, dù là với người thương, chúng ta vẫn nên lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.