Ngày nay, trí thông minh nhân tạo AI là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong học tập và công việc. Nhiều học sinh – sinh viên cho biết thường xuyên sử dụng AI để giải bài tập, viết luận văn…
Trong chương trình Lời Cảnh Báo tuần qua, em Minh Khang (TP.HCM) chia sẻ: “Em thấy AI rất hữu ích, đặc biệt là trong học tập. Em thường dùng AI để giải bài tập, viết luận, tìm tài liệu. Tuy nhiên, em nhận ra mình đang lạm dụng AI quá nhiều. Trước đây, em phải tự tìm kiếm đáp án, còn bây giờ chỉ cần AI là có ngay”.
Với khả năng phân tích nhanh, AI thực sự là 1 công cụ đắc lực trong học tập. Sau đây là một số lợi ích cơ bản mà AI mang lại:
Lợi ích
- Hỗ trợ học tập hiệu quả: AI có thể giúp trẻ giải thích các khái niệm khó, tìm tài liệu tham khảo và cải thiện kỹ năng viết.
- Tăng cường tư duy phản biện: Nếu sử dụng đúng cách, trẻ có thể học cách đặt câu hỏi, đánh giá thông tin và phân tích vấn đề thay vì chỉ chấp nhận câu trả lời từ AI.
- Tiết kiệm thời gian: AI giúp tổng hợp thông tin nhanh hơn, giúp trẻ tập trung vào việc hiểu bài hơn là mất thời gian tìm kiếm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi, việc lạm dụng AI có thể mang đến những tác hại lâu dài, ảnh hưởng đến tư duy logic cũng như khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ
Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) nhận định: “Trẻ em cảm thấy thích thú khi tiếp cận thông tin mới lạ từ AI. Sau những giờ học căng thẳng, AI mang đến những hình thức giải trí mới. AI cung cấp thông tin đầy đủ, đa dạng, giải đáp nhiều câu hỏi của trẻ ở mức độ cơ bản. Tuy nhiên, thông tin từ AI có thể sai lệch, chưa được kiểm chứng, khiến trẻ tiếp nhận một chiều, thiếu khả năng phân tích.
Mặc dù AI có thể tạo ra các biểu cảm cảm xúc, hình ảnh cảm xúc, nhưng không thể thay thế những tương tác ngoài đời thực. Việc tiếp xúc lâu dài với AI có thể ảnh hưởng đến khả năng định hình cảm xúc, kỹ năng xã hội, giao tiếp và tương tác của trẻ”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên (Chuyên gia đào tạo AI, Giám đốc Học viện kỹ năng Vtalk) cho biết: “Tốc độ phản hồi nhanh chóng của AI có thể hạn chế tư duy logic và khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Một số tính năng của AI cũng làm giảm khả năng tưởng tượng và tư duy sáng tạo. AI là công cụ hữu ích cho việc học tập và khám phá thế giới, nhưng nhà trường và phụ huynh cần đồng hành cùng trẻ. Nên lựa chọn các kênh AI phù hợp, đặt ra giới hạn thời gian và khuyến khích trẻ giao tiếp, trải nghiệm thế giới thực”.
Mặt hạn chế khi dùng AI
- Phụ thuộc vào AI quá mức: Nếu trẻ chỉ sao chép câu trả lời từ AI mà không tự tư duy, sẽ ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ độc lập.
- Thông tin không chính xác: AI có thể đưa ra thông tin sai hoặc thiếu ngữ cảnh, nếu trẻ không biết cách kiểm chứng, có thể dẫn đến hiểu sai vấn đề.
- Ảnh hưởng đến khả năng viết và sáng tạo: Nếu lạm dụng AI để viết bài, trẻ sẽ ít rèn luyện khả năng diễn đạt và tư duy sáng tạo.
Giải pháp hợp lý:
1. Hướng dẫn trẻ sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, không phải thay thế hoàn toàn việc học.
Cha mẹ và giáo viên cần nhấn mạnh rằng trí thông minh nhân tạo không phải là người làm bài thay trẻ, mà chỉ là một công cụ hỗ trợ tương tự như từ điển hay sách tham khảo.
Khuyến khích trẻ đọc hiểu và diễn đạt lại nội dung theo cách của mình, thay vì sao chép nguyên văn từ AI.
Tạo thói quen đặt câu hỏi: “Tại sao AI lại đưa ra câu trả lời này?”, “Có cách nào khác để giải quyết vấn đề không?”. Điều này giúp trẻ phát triển tư duy phản biện thay vì chỉ chấp nhận thông tin thụ động.
2. Khuyến khích kiểm tra lại thông tin từ nhiều nguồn để đảm bảo tính chính xác.
Hướng dẫn trẻ kiểm tra thông tin từ sách giáo khoa, tài liệu chính thống hoặc các trang web giáo dục đáng tin cậy.
Học cách xác định độ tin cậy của thông tin: Nếu AI đưa ra một câu trả lời, trẻ nên tự hỏi:
- “Nguồn thông tin này đến từ đâu?”
- “Có bằng chứng nào chứng minh không?”
- “Thông tin này có phù hợp với những gì mình đã học không?”
Thực hành kiểm tra chéo: Khi làm bài tập, trẻ có thể tra cứu trên Google hoặc tham khảo ý kiến giáo viên để xác minh thông tin.
3. Đặt câu hỏi và thảo luận với trẻ về nội dung AI cung cấp để giúp trẻ phát triển tư duy phản biện.
Thay vì yêu cầu AI viết toàn bộ bài văn, trẻ có thể sử dụng AI để gợi ý dàn ý, cung cấp thông tin tham khảo hoặc mở rộng ý tưởng. Sau khi nhận gợi ý, trẻ cần tự viết lại bằng ngôn ngữ của mình.
Tạo không gian để trẻ tự do sáng tạo: Khuyến khích trẻ viết nhật ký, sáng tác truyện ngắn hoặc tham gia các cuộc thi viết để phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ. Nếu trẻ dùng AI để hỗ trợ, hãy yêu cầu trẻ đưa thêm suy nghĩ cá nhân vào bài viết thay vì chỉ sử dụng nội dung do AI tạo ra.

4. Đặt giới hạn thời gian và mục đích khi sử dụng AI
Nếu không có kiểm soát, trẻ có thể dựa dẫm quá mức vào AI và dần lười suy nghĩ. Vì thế phụ huynh nên giới hạn thời gian sử dụng AI của trẻ trong khoảng 10-15 phút. Sau đó phải tự viết bài theo gợi ý từ AI thay vì nhờ AI làm luôn.
Đặt nguyên tắc rằng AI chỉ dùng để tham khảo chứ không phải để hoàn thành bài tập thay. Ví dụ: Khi làm bài toán, AI có thể hướng dẫn cách giải, nhưng trẻ cần tự thực hiện các bước tính toán.
5. Giáo dục về đạo đức khi sử dụng AI
Một số học sinh có thể sử dụng AI để gian lận trong học tập, như sao chép bài viết hoặc làm bài kiểm tra thay. Vì thế cần nhấn mạnh rằng sử dụng AI không đúng cách cũng giống như gian lận và có thể gây hại lâu dài cho sự phát triển trí tuệ.
Giải thích cho trẻ hiểu mục tiêu của việc học không phải là điểm số, mà là sự hiểu biết thực sự. Nếu AI giúp làm một bài tập, hãy yêu cầu trẻ giải thích lại bằng lời của mình để đảm bảo rằng trẻ thực sự hiểu bài.
Nhìn chung, AI là xu hướng chung nên việc cấm trẻ em sử dụng là không hợp lý. Tuy nhiên, việc sử dụng như thế nào cho đúng cách là vấn đề mà phụ huynh cần quan tâm, tránh ảnh hưởng đến tư duy và khả năng tự phân tích của trẻ.