Connect with us

Chờ con khôn lớn rồi ly hôn, nên hay không nên?

Bài nổi bật

Chờ con khôn lớn rồi ly hôn, nên hay không nên?

Mấy năm trước trên facebook rầm rộ share một bài viết tựa đề “Con thi đại học xong sẽ ly hôn”. Đại ý, một người vợ đã quá mỏi mệt vì ông chồng vô tâm nên cô vợ không than vãn, không đòi hỏi gì nữa mà chỉ chăm chăm kiếm tiền, nuôi con, làm đẹp. Đến khi con vào đại học thì cô ấy buông tay, ly dị với người chồng vô tâm vô phế của mình.

Câu chuyện được đăng trên Weibo do Dưa Hấu dịch. Tôi đăng nguyên văn câu chuyện tại đây để bạn nào chưa đọc được thì có thể đọc. Câu chuyện có rất sát với thực tế xã hội Việt Nam và chạm được vào trái tim nhiều chị em phụ nữ.

Con thi Đại học tôi sẽ ly dị

Cô ấy nói, tôi chờ ngày này đã mười năm, mười năm chăm chỉ học hành của con, là mười năm cô ấy nếm mật nằm gai.

Cô ấy đã nói với anh rất nhiều lần, đợi con thi đại học xong sẽ ly hôn, anh cứ tưởng chỉ là lời nói dỗi của vợ, không ngờ cô ấy nói thật. Hơn nữa, từ ngày đó cô ấy đã bắt đầu chuẩn bị cho việc ly hôn.

Anh nhớ đến những năm đó vợ rất độc lập, dịu dàng, đột nhiên phát hiện những lúc anh cho là hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận, thực chất là bởi vợ không còn muốn tính toán với anh nữa.

Lúc trước anh rất ghét bị vợ sai làm việc nhà, sau đó không biết bắt đầu từ khi nào, vợ đã không còn kêu anh làm nữa, lúc đó anh rất vui, cho rằng phụ nữ đều như thế cả thôi, không chiều cô ấy, thì cô ấy biết điều tự làm thôi.

Bây giờ nghĩ lại, có lẽ lúc đó vợ đã muốn buông bỏ anh rồi. Cô ấy không cần anh, vậy nên việc gì cũng đều tự mình làm.

Trong mấy năm ấy, vợ không hề đòi anh một đồng nào. Lúc trước khi con còn nhỏ, vợ không đi làm được, mỗi tháng đều kêu anh đưa mình tiền. Anh nhớ lại lúc ấy, anh vô cùng phiền chán mỗi khi nghe vợ nhắc đến tiền bạc, mỗi tháng làm được vài đồng ít ỏi thì đã tiêu hết cho cái nhà này rồi.

Mỗi khi vợ kêu đưa tiền, anh đều nói: ‘Em có thể xài tiết kiệm chút không, mua máy lạnh trong phòng khách làm gì, khóa hư rồi thì ráng ráng xài tạm cũng được mà. Ngày nào em cũng mua đồ mới cho con, rồi còn đồ trang điểm, có ích gì không. Em không biết thương tôi chút nào hả? Đàn ông kiếm tiền cũng đâu dễ dàng!’

Tôi nhớ khi vừa bắt đầu, vợ sẽ phản bác lại, càng về sau thì ngậm bồ hòn làm ngọt.

Đợi con đi học, vợ bắt đầu đi làm lại, sau đó, vợ không hề đòi anh thêm một cắc nào nữa. Vấn đề tiền nong của hai người từ khi ấy bắt đầu phân chia rạch ròi.

Vợ muốn mua cái gì liền mua, anh muốn món gì cũng tự mình trả tiền. Anh không biết mỗi tháng vợ kiếm được bao nhiêu, vợ cũng không quan tâm mỗi tháng anh kiếm được bao nhiêu tiền.

Anh nhớ có một đoạn thời gian, vợ tiêu rất nhiều tiền. Mua cho mình rất nhiều quần áo đẹp và mỹ phẩm tốt, anh oán trách vợ: ‘Em không thể tiêu tiết kiệm lại chút hả, sau này còn phải lo cho con học hành nữa!’

Kết quả vợ liền trách lại: ‘Tôi tự mình kiếm tự mình tiêu, không lấy của anh một cắc. Con có đi học, anh bỏ bao nhiêu tôi cũng bỏ bấy nhiêu, có khi còn bỏ ra nhiều hơn anh, chứ không có việc ít hơn anh!’

Khi ấy anh liền đứng hình, thế nhưng cũng không để trong lòng, không cho quản thì anh không quản, miễn sao đừng đòi tiền anh là được.

Bấy giờ anh mới hiểu, khi đó vợ đã không còn cần anh chống đỡ về mặt kinh tế nữa rồi.

Không, trong những năm đó, vợ anh không chỉ độc lập về kinh tế, mà còn cả về tinh thần.

Vợ bắt đầu rất ít khi cãi nhau với anh. Anh nói gì, cũng chỉ nghe, không muốn nghe, cô ấy liền trốn vào phòng khác. Khi ấy anh còn nghĩ vợ mình biết hiền lương thục đức rồi, thế nhưng không hề nghĩ rằng vợ anh ngay đến cãi nhau với anh cũng thấy không cần thiết.

Nghĩ lại những năm đó, anh mới thấy mình muốn làm gì thì làm đấy, bất kể làm gì, vợ anh cũng không hề quan tâm. Có một buổi tối anh không về nhà, vợ cũng không hề gọi một cuộc. Khi ấy anh còn cao ngạo cười những tên bị vợ gọi giục, cảm thấy những người ấy thật không có bản lĩnh, bị vợ chỉnh đến mất cả tôn nghiêm.

Bây giờ nghĩ lại. vợ người ta là còn yêu, vợ anh khi ấy đã không còn yêu anh rồi. Khi ấy anh còn vô cùng cao ngạo, cảm thấy người phụ nữ này cũng biết im lặng rồi.

Anh lại nghĩ, những năm ấy vợ vì con cái mà không cãi nhau với anh, ôm đồm hết mọi việc cho con, còn anh thì vui vẻ một chút cũng không hề quan tâm.

Mười năm, vợ lo kiếm tiền, chăm con cái, lo hết việc nhà. Thậm chí ba mẹ vợ có việc gì, cũng không hề mở miệng nhờ anh giúp đỡ. Anh từng vì việc này mà dương dương tự đắc, cảm thấy vợ nên thế này mới phải.

Mỗi lần vợ nhờ việc nhỏ gì, anh liền cảm thấy phiền. Anh không muốn quan tâm đến bất cứ việc gì của vợ, chỉ muốn được phục vụ như hồi giờ, chỉ cần vợ không đòi tiền, vợ thích làm gì cũng được.

Có một lần vợ bệnh, liền gọi điện thoại cho anh. Anh nhớ rất rõ khi ấy đã nói những gì: ‘Nhà mẹ cô không có ai hả, không phải cô có tiền trong người sao, tìm tôi làm gì?’

Vợ anh không nói một lời liền cúp máy, sau đó vợ khỏi bệnh, anh cảm thấy có chút tội lỗi, tưởng rằng vợ sẽ khóc nháo, thế nhưng vợ lại vờ như chưa có gì xảy ra. Anh liền cảm thấy vợ cũng chỉ đến thế thôi, anh không quan tâm, cô ấy cũng có làm gì được anh đâu.

 Khi phụ nữ tự lập, họ không cần phải sống chung với người chồng vô tâm nữa. Ảnh minh họa

Anh chưa từng nghĩ đến, người vợ an phận thế này, khi ly hôn với anh lại vô cùng kiên định.

Loại kiên định này phải chăng được tích góp từ cuộc hôn nhân lạnh lẽo này?

Giống như có một lần cô ấy nói: ‘Anh sớm đã không còn là chồng tôi nữa, mà chỉ là bố của con tôi’.

Vậy nên, cô ấy đợi 10 năm, chuẩn bị 10 năm, đợi khi con thi xong đại học, trở thành người lớn rồi, liền dứt khoát ly hôn.

Nghĩ lại, anh thật không có điểm nào để vợ phải lưu luyến. Bởi vì trong cuộc hôn nhân này, đến bản thân cũng không hề nhớ ra được anh đã cho cô ấy những gì. Chỉ có duy nhất một đứa con, cũng chính là nỗi lưu luyến duy nhất của cô ấy.

Từ cục dân chính bước ra, anh khóc, bởi anh không thể tưởng tượng được trong tương lai, anh phải một mình giặt đồ nấu cơm, tự mình làm việc nhà, một mình đảm đương hết mọi việc. Cả đời sau anh cũng không thể uống được canh vợ nấu.

Còn vợ thì cười, vì hôn nhân đối với cô ấy, không có chút gì tốt đẹp. Ly hôn rồi, cô ấy chỉ bớt việc chăm sóc một kẻ tính tình không tốt mà thôi.

Đàn ông không nên chờ con cái lớn rồi, mới biết trân trọng vợ mình.

Khi con còn nhỏ, bạn tưởng rằng cô ấy sẽ không bao giờ rời bỏ mình. Khi bạn có lỗi lớn đến đâu, cô ấy cũng sẽ nhường nhịn bạn, bao dung bạn vì con cái.

Thậm chí bạn còn ngây thơ nghĩ rằng, vợ thì nên được răn dạy. Đối với cô ấy quá tốt, sẽ thành hư, đối với cô ấy không tốt, cô ấy mới biết ngoan ngoãn.

Bạn ỷ vào sau khi sinh, cô ấy không còn mạnh mẽ như trước, mà ức hiếp, ghét bỏ, nhìn không vừa mắt, chưa từng cho cô ấy chút quan tâm yêu thương.

Bạn ỷ vào tấm lòng yêu con của cô ấy, không muốn con phải sống trong gia đình không trọn vẹn, miệt thị, lạnh nhạt, thậm chí chỉ xem cô ấy như một bảo mẫu miễn phí.

Bạn nghĩ cô ấy cứ yếu đuối dễ ức hiếp như thế mãi sao?

Sao không nghĩ đến, khi đó cô ấy chỉ là không còn lựa chọn nào khác. Khi cô ấy tích góp đủ sức lực, khi cô ấy đủ mạnh mẽ, khi con cái đã trưởng thành, cô ấy sẽ không hề do dự rời bỏ bạn.

Bởi vì, một tên đàn ông chỉ yêu bản thân mình, nếu không vì con cái thì chẳng có gì đáng lưu luyến cả.

Cả phần đời còn lại với anh, thật sự mệt mỏi!

Cả phần đời còn lại không có anh, hạnh phúc làm sao!”

Nhiều chị em phụ nữ tâm đắc với bài viết và đe chồng rằng, chồng cứ vậy thì chờ con lớn sẽ ly hôn. Thực tế xã hội Việt Nam, hẳn có nhiều chị em đang rất uất ức, trong tâm trạng chờ đợi một sự hồi tâm chuyển ý của chồng. Thế nhưng, dường như càng chờ đợi thì càng thất vọng. Không phải đánh đồng nhưng nhìn bạn bè xung quanh, rồi nhìn chính bản thân mình, tôi thấy rằng rất nhiều, nếu không nói là tất cả đàn ông Việt Nam ít hay nhiều đều vô tâm.

Nhiều người thậm chí vô tâm đến nỗi chẳng nhớ nổi con mình học lớp mấy, chẳng nhớ nổi đã bao lâu rồi mình và vợ không còn nói chuyện với nhau nữa. Họ mải miết với bạn bè, với những chầu nhậu, với các buổi chém gió, đi phượt… chứ chẳng mấy khi ở nhà dạy con học hay nói chuyện với vợ. Nếu vợ có hỏi đến thì các ông lại nói “Đây là công việc, đó là mối xã giao…” và rằng, chuyện trong nhà, chuyện củi lửa, chuyện con cái… là chuyện đàn bà. Đàn ông mà…

Chính những điều vụn vặt đó khiến các bà vợ buồn, chán rồi lâu dần trở nên lãnh cảm. Rồi nhìn các cô gái tung tăng ngoài kia lại thấy chạnh lòng, nhớ đến cái thời son rỗi, thời con gái đã qua rồi lại ca bài ca “Thanh xuân như một tách trà…”

Trong khi đó, lại có nhiều chị em phê phán, cho rằng bài viết cổ xúy cho tâm lý yếu đuối của phụ nữ. “Tại sao phải chờ 10 năm mới ly hôn?” một số chị em nêu lên quan điểm của mình. Có chị quả quyết: “Nếu tôi gặp ông chồng như vậy, tôi sẽ ly hôn ngay chứ không đợi 10 năm”. 

Thực ra trong cuộc đời không có đúng và sai chỉ có sự lựa chọn là của riêng bạn. Đúng là cuộc đời rất ngắn ngủi, vì thế bỏ ra 10 năm để sống với người đã không còn mang lại hạnh phúc cho mình thì thực sự là quá phí phạm. Tuy nhiên, nhìn ở mặt khác, chúng ta có thể thấy được hệ lụy của những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh gia đình ly tán để hiểu cho sự lựa chọn của người vợ – người mẹ ở trên.

Ly hôn ảnh hưởng đến những đứa trẻ, nhưng liệu sống với cuộc hôn nhân tù ngục có giúp bạn và con hạnh phúc?

Có thể, so với hạnh phúc của bản thân thì hạnh phúc của người con đối với mẹ quan trọng hơn, mang lại cho chị nhiều giá trị hơn. Vậy còn bạn, bạn lựa chọn như thế nào?

Nếu bạn vẫn đang phân vân, chưa biết nên lựa chọn như thế nào thì bạn có thể tự đặt cho mình những câu hỏi sau để quyết định:

1. Bạn có còn tình cảm với anh ấy?

Nếu có bất cứ sự lưu luyến nào thì đừng để phải có cảm giác mất mát, tiếc nuối sau khi ly dị.

2. Cuộc hôn nhân của bạn đem lại những gì?

Nếu không còn có thể sống với nhau hoà thuận mà chỉ có hai người thường xuyên đấu tranh cho những đòi hỏi riêng của mình và ai cũng cho là mình đúng cả, thì đây là thời điểm tốt để hoặc là cùng nhau thay đổi hoặc chia tay?

3. Bạn muốn ly hôn hay chỉ là đe dọa?

Có những người dùng cách đe dọa ly hôn để có được một lợi thế quyền lực với người kia. Bạn có nghĩ rằng do sự đe dọa đó mà nhận được sự quan tâm của người kia và họ sẽ trở thành người mà bạn mong đợi?

4. Bạn quyết định ly dị trong cơn tức giận?

Nếu đang thất vọng, bạn có thể muốn ly hôn ngay lập tức nhưng điều đó có thể khiến bạn hối hận khi bình tĩnh lại. Vì vậy, hãy suy nghĩ khi bạn đang tỉnh táo.

5. Điều gì là động cơ thúc đẩy bạn ly hôn?

Bạn nên nhớ rằng ly dị là kết thúc tất cả cuộc hôn nhân và gia đình tan vỡ hoàn toàn. Nếu bạn chỉ có mục đích cải thiện mối quan hệ thì ly dị đâu phải là điều bạn muốn. Nếu cảm thấy phân vân hãy suy nghĩ hai lần trước khi quyết định.

6. Bạn có nghĩ đến những khó khăn sau ly hôn?

Sau ly hôn một thời gian thường có một khoảng trống với người phụ nữ. Bạn hãy lường trước điều đó và có kế hoạch để cuộc sống đơn thân của mình vẫn đầy niềm vui và những mục tiêu để mình theo đuổi. Nên biết rằng không dễ gì bạn có thể “đi bước nữa”, nhất là khi bạn có con, vì trong thực tế tìm được người đàn ông đơn thân tử tế và yêu cả mình lẫn con mình rất khó. Bạn có thể phải đối mặt với nỗi đau của con bạn khi xa người bố đẻ của nó và bạn phải giúp chúng vượt qua. Nếu bạn là người mong muốn ly hôn, bạn sẽ phải đối phó với cơn đau của người kia. Đừng gây ra tội lỗi nhiều hơn khi vì muốn ly hôn mà không đếm xỉa đến nỗi đau của người khác.

7. Bạn có thể vững bước đi lên sau ly hôn?

Bạn sẽ sống thế nào sau khi ly hôn? Bạn có sống mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm và rũ bỏ tất cả những tức giận và phẫn nộ? Hoặc, bạn sẽ vẫn cay cú, bực bội và cảm thấy như một nạn nhân? Thái độ bạn lựa chọn một phong cách sống sẽ quyết định không chỉ việc ly hôn mà cả chất lượng sống sau khi ly hôn.

Thế nên câu trả lời luôn nằm trong bạn, chỉ cần bạn đủ tỉnh táo và chấp nhận tất cả hệ quả cho sự lựa chọn của mình thì ly hôn hay tiếp tục đều là những quyết định chính xác.

Đọc thêm:

Có “hạnh phúc mãi mãi” hay không? Làm sao để hạnh phúc?
Đối mặt với định kiến xã hội P1: “Ly hôn là xấu”

2 Comments

2 Comments

  1. Pingback: Làm sao để nói ra điều không hài lòng - Đời Thay Đổi Khi Ta Thay Đổi

  2. Pingback: Làm thế nào để vượt qua việc hối hận - Đời Thay Đổi Khi Ta Thay Đổi

Leave a Reply


Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

More in Bài nổi bật

Bài mới

Lịch

Tháng mười hai 2024
H B T N S B C
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Facebook

To Top