Hầu như ai cũng từng bị tổn thương bởi những lời chê bai, mỉa mai, gièm pha…
“Hồi xưa, thời mình còn học đại học, mình nhớ mình rất hay cười, luôn lạc quan vào tương lai. Dù thật ra, trong lòng mình chồng chất nhiều vết thương. Nhưng trước mọi người, nhất là những người bạn bình thường, mình luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Bởi bản thân mình cũng không muốn phơi bày quá nhiều những nỗi đau của bản thân.
Thế nhưng, mình lại không phải là con người khép kín. Với những người đủ thân, hợp gu mình chia sẻ khá nhiều. Có lẽ đó chính là điều giúp mình có thể vượt qua những cơn đau mà tưởng như có lúc đã đánh gục mình. Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, có đôi khi, nhờ vậy, người ta hiểu rõ con người mình hơn, hiểu cả những nhược điểm, hiểu cả những hèn yếu của mình. Và vì vậy, họ dễ làm tổn thương mình hơn.
Mình nhớ, rất nhiều người, nhất là những người thương yêu mình đã nói, mình đừng quá chân thành, đừng cái gì cũng nói. Phải biết giữ lại cho mình vì có chắc người khác thật lòng quan tâm mình hay không, họ có thật sự thông cảm với mình hay không. Hay họ chỉ đang cười nhạo, cảm thấy thỏa mãn trước những nỗi đau, trước vấp ngã của mình…
Và mình cũng không ít lần bị phản bội, bị nói xấu, bị gièm pha… bởi chính những người bạn mà mình tin tưởng và chia sẻ. Mình nhớ có 1 lần mình đã khóc suốt 1 ngày chỉ vì 1 câu nói của một người mình nghĩ là hiểu mình. Nhưng thật ra không phải vậy. Và từ đó về sau, mình không còn nói chuyện với người ấy nữa.
Thực chất mình khá cực đoan, nếu mình đã nghĩ người ta không thích mình, mình thường sẽ không thích lại, không chơi, ko giao du, thậm chí còn chả muốn thấy mặt. Thế nên, mình có lắm kẻ ghét. Đến bây giờ, cái tính xấu ấy vẫn còn.
Mình thường tự phòng vệ bằng cách không muốn nghe ai nói xấu mình, không care. Nhưng thực ra chủ yếu chỉ là mình ko dám đối diện với sự chê trách của người khác. Mình không chấp nhận mình chưa đủ tốt. Mình ghét bị chỉ trích, bị phê bình, bị lên án.
Nhiều người cho rằng mình mạnh mẽ nhưng thực ra không phải vậy. Mình khá yếu đuối, luôn phòng vệ để bảo vệ cái tự tôn của bản thân. Càng lớn, trải qua nhiều vấp váp, mình bắt đầu hiểu bản thân mình hơn và hiểu rằng những khổ đau xưa nay mình gánh chịu phần lớn là do bản tính của mình, do sự yếu hèn của mình. Mình cần phải tự vượt lên những nỗi sợ hãi trong lòng mình, để mạnh mẽ thật sự, để có thể hạnh phúc…”
Khi chia sẻ những dòng tâm sự này, tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn bè. Hầu như ai cũng từng gặp phải trường hợp bị nói xấu, bị xuyên tạc, bị phản bội từ những người mình tin tưởng. Nhiều người chọn biện pháp “khép lòng” lại, nhiều người chọn biện pháp phớt lờ… Nhưng cũng có người bị tổn thương sâu sắc và không thể vượt qua.
Tuy nhiên, tôi biết, chia sẻ, tin tưởng một ai đó là thiên hướng của con người. Vì thế, thay vì sợ hãi, chúng ta có thể hạn chế và vượt qua nỗi sợ hãi khi bị gièm pha và đối mặt với sự phán xét của người khác. Sau đây là một số phương pháp mà tôi đã tổng hợp được trên mạng và muốn chia sẻ đến mọi người.
5 cách giúp ta không quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình
Trước khi đọc các mẹo tip sau bạn nên nhớ, không quan tâm người khác nghĩ gì về bạn không có nghĩa là trở nên vô cảm với mọi người xung quanh, nhất là những người yêu thương bạn.
Bạn có thể làm tổn thương những người yêu thương bạn thật lòng và không có ý xấu với bạn. Người ta vẫn thường nói: “Tĩnh tâm để có cuộc sống an nhiên, để những bão giông cuộc đời không thể nào chạm đến bạn”. Suy cho cùng, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều nếu chúng ta yêu thương chân thành, sống hết mình và đừng bận tâm quá nhiều đến những vấn đề vụn vặt.
Tuy nhiên, nếu người khác làm tổn thương bạn hết lần này đến lần khác thì bạn cũng không cần phải nhún nhường. Hãy luyện tập cách kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh để xử lý mọi tình huống.
- Chọn lọc khi xây dựng mối quan hệ:
Xây dựng mối quan hệ với người thân, gia đình, những người hiểu và yêu thương mình. Nhận ra và phớt lờ những người ưa soi mói, tọc mạch và gièm pha người khác. Hãy chấp nhận trong cuộc sống luôn có người không thích mình và hãy xem những lời của họ như “nước chảy qua cầu”.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải tập trung vào bản thân mình, chấp nhận và yêu thương mình. Bởi nếu ngay cả bạn cũng không hiểu và hạnh phúc với con người bên trong của mình, thì bạn không thể hạnh phúc với bất kỳ ai. Vì vậy, hãy hiểu bản thân mình rồi hãy nghĩ tới việc chia sẻ với người khác.
2. Chấp nhận thiếu sót của bản thân và người khác
- Rèn luyện trí tuệ cảm xúc
- Chấp nhận những thiếu sót của bản thân
- Chấp nhận rằng cuộc sống không công bằng
- Chấp nhận con người không ai hoàn hảo và đều có thiếu sót
- Hãy tự tin vào chính mình bằng cách học hỏi và phát triển bản thân ngày càng tốt hơn
- Phớt lờ việc quan tâm người khác nghĩ gì vì suy cho cùng họ không xứng đáng để ở trong tâm trí và tim bạn.
3. Tập trung phát triển những giá trị của bản thân
Mỗi người đều có sở trường và sở đoản của mình. Vì vậy, hãy tập trung phát triển bản thân, hạn chế sở đoản để trở thành một phiên bản tốt nhất của mình. Không nên so sánh hay tự ti.
Để phát triển bản thân bạn có thể dành thời gian để làm các việc sau:
- Đọc sách
- Chăm sóc bản thân
- Trau dồi đạo đức
- Theo đuổi đam mê
4. Luôn thể hiện thái độ khiêm tốn
Để tránh thị phi, hãy luôn khiêm tốn bởi “núi cao có núi cao hơn, người tài giỏi cũng có người giỏi hơn”. Để rèn luyện thái độ khiêm tốn bạn có thể học: bao dung, biết ơn, đừng so sánh, lắng nghe – thấu hiểu…
5. Làm bạn với những người không thích mình
Đôi khi dù muốn hay không bạn vẫn phải làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với những người không thích mình. Để tránh va chạm gây ra những hiểu lầm, thị phi không đáng có, hãy tập làm bạn với họ.
Cách ứng xử thông minh nhất trong tình huống này chính là vờ tìm đến sự trợ giúp từ phía họ. Đây là một hiệu ứng tâm lý có tên gọi là Ben Franklin Effect. Trong tình huống bạn tiếp cận đối tượng và trao cho họ quyền được giúp đỡ, thay vì tỏ ra khó chịu, họ sẽ tự động thay đổi nhận thức của chính mình và có cái nhìn thân thiện hơn với bạn.
Pingback: Muốn ít đi để hạnh phúc hơn - Đời Thay Đổi Khi Ta Thay Đổi