Bài nổi bật

Đối mặt với định kiến xã hội P1: “Ly hôn là xấu”

Published on

Nếu bạn đã từng nghe (hoặc nói) những câu như “Đừng ly hôn, điều đó sẽ khiến con bạn bất hạnh” hoặc “Đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của bạn”, thì bạn có thể đang phải đối mặt với những kỳ vọng và niềm tin của xã hội. 

Theo Aparna Sagaram, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép và là chủ sở hữu của Space to Reflect ở Philadelphia, cho biết những niềm tin xã hội tồn tại để giữ cho xã hội ổn định và tạo nên một cộng đồng có quan điểm đồng nhất.

Tuy nhiên, đối với một số người, những niềm tin này khiến họ mệt mỏi và cản trở sự hài lòng của bản thân. Thậm chí có thể đẩy bạn vào những tình huống nguy hiểm. 

Ví dụ, bạn đang có cuộc hôn nhân bất hạnh, bị bạo hành, bị phản bội, nhưng bạn vẫn không muốn ly hôn vì sợ con cái khổ, sợ bị xã hội lên án. Điều này thực sự nguy hiểm và cản trở sự phát triển của bạn.

Dĩ nhiên, theo bản thân tôi thì những quan điểm xã hội đa phần là đúng. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Đơn cử như với ví dụ trên, ly hôn thực sự là một bước chuyển biến lớn, gây đau đớn cho bản thân bạn và người thân (Cha mẹ, con cái…). Thế nên, hãy suy nghĩ thật kỹ càng trước khi quyết định mọi chuyện.

‘Ly hôn là sai’

Dù xuất phát từ tôn giáo hay áp lực gia đình, người ta thường cho rằng ly hôn là một điều “xấu”. Và tôi cho rằng điều này không sai.

Tuy nhiên, thực sự có những cuộc hôn nhân mà việc ly hôn sẽ tốt hơn rất nhiều so với cố gắng sửa chữa nó.

Dĩ nhiên, bất cứ mối quan hệ nào cũng sẽ có những thăng trầm và chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện hay khắc phục nó. Ví dụ như tâm sự, trao đổi với nhau nhiều hơn, chia sẻ những trách nhiệm về nuôi dạy con cái hay công việc nhà…

Tuy nhiên, có những điều thuộc về quan điểm cốt lõi của từng người thì không thể thay đổi. Ví dụ như tính cách, niềm tin, những giá trị cốt lõi của con người.

Chính vì thế mà chúng ta mới cần có thời gian để tìm hiểu nhau, xem hai người có cùng nhân sinh quan hay không. Còn nếu chúng ta không hòa hợp được về những giá trị trên thì thực sự không thế gắn kết cả đời được.

Natalie Moore, một nhà trị liệu gia đình ở California cho biết, nếu bạn gắn kết với một người có niềm tin khác nhau như có nên có con hay không hay cấu trúc gia đình sẽ như thế nào, thì hai bạn không thể gắn bó với nhau trong cuộc hôn nhân này lâu dài được.

Đôi khi, điều tốt nhất cho cả hai là thành thật với chính mình, với những quan điểm của mình và nhìn vào mối quan hệ của cả hai. Và nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng cuộc hôn nhân này không còn hoạt động nữa‘”, Moore chia sẻ.

Hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ ly hôn khá cao, chiếm 25% so với tỷ lệ kết hôn. Tức là cứ 4 cặp đôi thì có 1 cặp ly hôn vì nhiều lý do.Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.

Nhìn vào thống kê, có thể thấy mâu thuẫn về lối sống chiếm tỷ lệ còn cao hơn cả ngoại tình. Điều này cho thấy, sự cần thiết trong việc tìm hiểu nhu cầu và quan điểm sống rất quan trọng trước khi tiến đến hôn nhân.

Và nếu không thể hòa hợp trong cách sống thì ly hôn là điều cần thiết. Nếu kiên quyết duy trì có thể khiến bạn rơi vào trầm cảm, mất niềm vui cuộc sống và không thể phát triển theo ý mình mong muốn. Vì vậy, nếu rơi vào tình huống nay, thì ly hôn không hẳn là xấu.

Bên cạnh đó, bạo lực gia đình cũng là một vấn nạn. Theo tôi nghĩ, tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam hẳn sẽ cao hơn số liệu thống kê. Bởi đa số người Việt ngại “vạch áo cho người xem lưng” nên thường giấu diếm việc bị bạo hành.

Có đôi khi ly hôn không hẳn là xấu khi bạn không thể an toàn trong cuộc hôn nhân này

Bạn nên hiểu rõ mình có bị bạo hành hay không. Bởi lẽ bạo hành không chỉ ở mặt thể xác. Nó có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau như bạo hành tinh thần (như thường xuyên chửi bới, làm nhục, hạ thấp danh dự…) hay bạo hành tình dục… Những dạng bạo hành như vậy khiến cuộc sống càng trở nên ngột ngạt, khó chịu không kém so với bạo hành thể xác. 

Một số dạng bạo hành gia đình, bao gồm:

  • Bạo hành thể xác: Những hành vi như đá, đấm, tát… tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân. Kiểu hành vi này hay xảy ra khi hai bên chênh lệch về sức mạnh thể chất như giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái hoặc con cái và cha mẹ già.
  • Bạo hành tình dục: Ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn. 
  • Bạo hành tinh thần: Chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài…
  • Bạo hành xã hội: Ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.

Vì thế, nếu rơi vào trường hợp này, ly hôn về mặt pháp lý an toàn hơn việc duy trì hôn nhân.

Moore nói thêm: “Và khi có sự lạm dụng, việc rời bỏ mối quan hệ là vì sự an toàn tốt nhất của người bị lạm dụng.

“Vì vậy, dù xã hội chúng ta có thể đề cao giá trị của việc gắn bó với một cuộc hôn nhân đến đâu, vẫn có những tình huống trong đó, ngay cả với ý định tốt nhất, ngay cả với những kế hoạch được sắp xếp tốt nhất, thì việc duy trì hôn nhân mãi mãi là không thực tế,” Moore nói.

Hy vọng sau bài này, bạn sẽ có thể có những quyết định cho riêng mình. Và hãy luôn tin rằng, dù cho bạn thấy có những niềm tin xã hội không phù hợp với mình thì điều này cũng không hoàn toàn là xấu. Bạn nên thành thật với bản thân mình và tìm hiểu xem điều gì là quan trọng đối với mình.

Nếu cảm thấy cô đơn, hoang mang trước một tình huống nào đó, bạn có thể tìm sự trợ giúp từ những người cùng cảnh ngộ, từ những chuyên gia trị liệu. Điều này có thể giúp đỡ cho bạn rất nhiều.

Ở bài sau, mình sẽ tiếp tục gởi đến các bạn bài phân tích về định kiến “Nên có con khi đến 1 độ tuổi nào đó”. Đón xem nhé

Click to comment

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky