Bài nổi bật

Làm sao để giải thoát bản thân ra khỏi mối quan hệ bế tắc

Published on

Trong đời sống tình cảm, có lẽ không ít người từng trải qua những giai đoạn bế tắc đến mức muốn từ bỏ. Đó là cảm giác khi bạn mắc kẹt trong một mối quan hệ: vừa muốn níu kéo vì tình cảm còn sót lại, vừa muốn chấm dứt để giải thoát bản thân. Tuy nhiên, giữa hai sự lựa chọn đó, bạn lại không thể đưa ra quyết định dứt khoát.

Chúng ta, những người bế tắc trong tình yêu, thường dao động giữa hai thái cực. Khi thì tự nhủ rằng “mình có thể chịu đựng thêm chút nữa”, khi lại thấy ngạt thở, tuyệt vọng vì nhận ra bản thân đang phá hủy những gì mình từng mơ ước. Trong tâm trạng bị giằng xé, bạn có thể rơi vào trạng thái tự huyễn hoặc rằng một thế lực bên ngoài nào đó sẽ giải quyết vấn đề giúp mình – như cha mẹ, xã hội, hay một sự kiện bất ngờ nào đó. Điều này chẳng khác gì một đứa trẻ mong chờ phép màu.

Nhưng thực tế là, chẳng có ai có thể can thiệp và giải quyết giúp bạn. Mỗi người trưởng thành phải tự đối diện với vấn đề của mình và đưa ra lựa chọn đúng đắn dựa trên sức mạnh nội tại.

Nhìn nhận quá khứ

Trước hết, hãy hiểu rằng: bạn không ở trong tình trạng này vì bạn yếu đuối, thiếu lý trí hay kém may mắn. Đa phần những người mắc kẹt trong mối quan hệ thường xuất phát từ những tổn thương trong tuổi thơ. Có thể bạn đã lớn lên trong một gia đình thiếu sự tôn trọng quyền cá nhân, nơi mà việc bày tỏ nhu cầu hay mong muốn riêng luôn bị phớt lờ. Điều này khiến bạn chưa từng học cách khẳng định bản thân, không biết cách nói lên điều mình muốn, và cuối cùng là chịu đựng thay vì đối mặt với vấn đề.

Ai cũng có thể gặp rắc rối trong tình yêu. Nhưng những người bị mắc kẹt lâu dài trong cảm giác bế tắc, không thể tìm thấy sự dũng cảm để thay đổi, là những người chưa từng được học cách tự quyết định cuộc sống của mình. Họ chưa bao giờ có cơ hội đứng lên để bảo vệ niềm vui và hạnh phúc của chính mình.

Tìm lại sức mạnh nội tại


Dù bế tắc, luôn có một phần trong bạn từ chối buông bỏ. Đó là phần con người mạnh mẽ bên trong, luôn khao khát được yêu thương và tôn trọng, không muốn chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn tình cảm. Phần lành mạnh này như một hạt giống sẵn sàng nảy mầm, vượt qua những trở ngại để vươn tới ánh sáng. Hãy tin vào phần đó và nuôi dưỡng nó.

Sự thật là dù có cảm thấy bị bó buộc đến đâu, vẫn có một sức mạnh tiềm tàng bên trong bạn, kêu gọi bạn hành động và không chịu sống mãi trong sự bất mãn.

Có nhiều người phụ nữ, chịu đựng 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm, đến tuổi 60-70 họ vẫn quyết định buông bỏ. Vì nói cho cùng, khao khát tự do, được tôn trọng, yêu thương chính mình vẫn là một khao khát cháy bỏng. Chẳng ai muốn sống cả đời với một người không yêu thương và tôn trọng mình.

Đừng ngờ vực mong muốn của bản thân

Bạn có quyền mong muốn một mối quan hệ theo đúng ý bạn

Chúng ta thường hoài nghi rằng liệu có công bằng khi đòi hỏi nhiều hơn từ mối quan hệ này: tình yêu nhiều hơn, sự tôn trọng nhiều hơn, sự thấu hiểu sâu sắc hơn? Liệu điều đó có phải là quá đáng? Nhưng sự thật là, không có quy tắc nào xác định điều gì là “quá mức” khi nói đến hạnh phúc cá nhân.

Mỗi người có quyền được theo đuổi những gì mình mong muốn, dù có khác biệt với người khác. Điều quan trọng không phải là cố gắng làm dịu bớt những khát khao của mình, mà là học cách tôn trọng và bảo vệ chúng, thậm chí ngay cả khi phải đối diện với sự phản đối từ người khác.

Đối mặt với nỗi sợ cô đơn

Một trong những nỗi sợ lớn nhất khiến chúng ta không dám rời bỏ mối quan hệ là nỗi ám ảnh về cô đơn. Chúng ta lo lắng rằng nếu rời xa người ấy, sẽ không còn ai bên cạnh, và cuộc đời sẽ trở nên trống trải, tẻ nhạt.

Đặc biệt ở phụ nữ, nỗi sợ càng lớn hơn. Chúng ta lo lắng một mình bươn chải giữa cuộc đời, một mình nuôi con và chống chọi với thế giới khắc nghiệt mà không có người bạn đời bên cạnh.

Tuy nhiên, hãy suy ngẫm: ngay cả khi ở bên người ấy, bạn đã thực sự cảm thấy mình có ai đó kề bên chưa? Hay sâu trong lòng, bạn vẫn cảm thấy cô đơn?

Sự thật là, khi mắc kẹt trong một mối quan hệ không hạnh phúc, chúng ta đã cô đơn từ lâu.

Việc rời bỏ không làm tình trạng này tồi tệ hơn, mà ngược lại, đó là bước đầu tiên để bạn tìm thấy sự tự do và kết thúc tình trạng đau khổ hiện tại.

Lo lắng về phản ứng của người khác

Những người bế tắc thường lo sợ điều gì sẽ xảy ra sau khi chia tay. Họ băn khoăn liệu người kia có thể vượt qua không, gia đình và bạn bè sẽ nghĩ gì, xã hội sẽ phán xét ra sao. Nhưng sự thật là, mọi người không quan tâm nhiều như bạn nghĩ. Ngay cả người bạn đời của bạn, sau thời gian khó khăn ban đầu, cũng sẽ học cách chấp nhận và tận hưởng cuộc sống mới mà không còn bạn bên cạnh.

Cuộc sống bình yên, ổn định chỉ có thể đến từ một mối quan hệ thực sự hài hòa, chứ không phải từ sự chịu đựng hay hy sinh vô điều kiện. Việc tiếp tục kéo dài một mối quan hệ không hạnh phúc chỉ khiến cả hai bên thêm mệt mỏi.

Quý trọng bản thân nhiều hơn

Cách để thoát khỏi sự bế tắc không phải là tiếp tục chịu đựng, mà là học cách quý trọng bản thân hơn. Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải khổ sở trong một mối quan hệ để cảm thấy mình có giá trị. Một mối quan hệ lành mạnh phải mang lại niềm vui và sự thăng hoa cho cả hai, chứ không phải là gánh nặng.

Hãy từ từ chấp nhận rằng, bạn có quyền mong đợi một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Đừng ngại ngần nói lên những điều mình thực sự mong muốn, và dám tin rằng một ngày nào đó, bạn sẽ đạt được điều đó.

Click to comment

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky