Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn khi liên tục giả danh cơ quan nhà nước, công an, hoặc cán bộ quản lý để dụ dỗ người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo, qua đó chiếm đoạt tài sản.
Dưới đây là những chiêu trò phổ biến mà người dân cần đặc biệt cảnh giác.
Giả danh cán bộ yêu cầu cập nhật sổ hộ khẩu
Chị L.M.T (ngụ TP.HCM) mới đây đã nhận cuộc gọi từ một người lạ tự xưng là cán bộ quản lý cư trú địa phương. Người này thông báo rằng dữ liệu sổ hộ khẩu của gia đình chị chưa được cập nhật lên hệ thống mới và đề nghị chị cài đặt một ứng dụng hỗ trợ xác minh thông tin.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi cài đặt ứng dụng theo hướng dẫn, toàn bộ dữ liệu cá nhân cùng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của chị đã bị xâm nhập. Chị phát hiện nhiều giao dịch chuyển tiền bất thường và bị mất hơn 50 triệu đồng.
Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng ATHENA – cảnh báo:
Các nhóm lừa đảo giả danh công an, gọi điện tới người dân – đặc biệt là người lớn tuổi, từ 55 – 60 tuổi trở lên, những người ít cập nhật thông tin công nghệ.
“Không phải chúng làm ngẫu nhiên, mà là đã nghiên cứu kỹ trước đó: biết rõ địa chỉ, tên tuổi, công an khu vực, khu phố. Sau đó, chúng gửi các đường link chứa mã độc. Khi người dùng truy cập, thông tin cá nhân sẽ bị khai thác để khống chế, chiếm đoạt tài sản.”
Lừa cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo
Một thủ đoạn khác cũng đang tái diễn là yêu cầu cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo.
Chị D.T chia sẻ, chị nhận cuộc gọi từ kẻ giả danh công an yêu cầu cài ứng dụng VNeID. Sau khi làm theo hướng dẫn, toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của chị đã bị rút sạch. Không chỉ vậy, các tài khoản mạng xã hội cũng bị chiếm quyền kiểm soát.

Theo ThS. Nguyễn Ngọc Hạnh My – Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng:
“Kẻ xấu lợi dụng việc nhiều người thiếu hiểu biết về công nghệ để tạo ra các ứng dụng giả mạo. Khi người dùng cài đặt, chúng có thể dễ dàng đánh cắp thông tin cá nhân, từ đó trục lợi hoặc bán cho bên thứ ba. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh mạng và an ninh truyền thông.”
Chị Hạnh My khuyến cáo thêm: “Các thủ tục hành chính công chỉ nên thực hiện tại cơ quan chức năng. Công an hoặc chính quyền sẽ không gọi điện thoại để yêu cầu cài ứng dụng hay làm thủ tục qua điện thoại. Người dân cần kiểm tra kỹ ứng dụng có chính thống không – thường sẽ có đánh giá, xếp hạng và thông tin rõ ràng trên các nền tảng uy tín.”
Tuyệt đối không đưa điện thoại cho người lạ thao tác, không nhấp vào đường link lạ và đặc biệt cẩn trọng với mã xác thực (OTP).
Bẫy lừa “phạt nguội”
Thủ đoạn giả danh cảnh sát giao thông thông báo “phạt nguội” cũng đang bùng phát trở lại.
Anh L.H.P kể rằng mình từng nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ đội CSGT. Người này cho biết anh bị ghi hình khi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, có thể bị phạt từ 6 – 8 triệu đồng và tước bằng lái từ 2 – 4 tháng. Để xử lý “nhanh gọn”, anh được yêu cầu truy cập vào đường link để nộp phạt.
Tuy nhiên, sau khi đến cơ quan chức năng xác minh, anh mới hay đây là chiêu trò lừa đảo.
Tương tự, ông N.V.Đ bị chiếm đoạt 5 triệu đồng với kịch bản tương tự. Khi nhận cuộc gọi, ông lo lắng nên làm theo yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định và cung cấp mã OTP, với lý do “xác minh điều tra xử lý phạt nguội”.
Theo TS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh – Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Trường ĐH Luật TP.HCM:
“Phạt nguội là hình thức xử phạt có thật, hiện được áp dụng thí điểm ở nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, các đối tượng xấu lợi dụng quy định này để gọi điện, gửi tin nhắn hoặc đường link giả mạo, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản. Những đường link này có thể chứa mã độc hoặc phần mềm gián điệp.”
Luật sư Phan Quang Thắng (Công ty TNHH Pháp lý Giải pháp Tài chính GNHA) đưa ra lời khuyên:
“Khi nhận cuộc gọi từ số lạ thông báo ‘phạt nguội’, hãy giữ bình tĩnh, không làm theo ngay. Ghi lại thông tin và liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để kiểm chứng. Đồng thời, chia sẻ lại với người thân để mọi người cùng cảnh giác.”
Một số lưu ý để phòng tránh
- Các cơ quan hành chính sẽ gửi thư mời hoặc yêu cầu trực tiếp tại nhà dân hoặc trụ sở. Tuyệt đối không giải quyết thủ tục qua điện thoại hay nhắn tin.
- Không nhấp vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội.
- Không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, chưa được xác minh.
- Không cung cấp mã OTP, thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai qua điện thoại.
- Nếu nghi ngờ bị lừa, cần trình báo ngay cơ quan công an để kịp thời xác minh và xử lý.
- Đặc biệt, người dân nên chủ động chia sẻ những thông tin này với người thân, nhất là người lớn tuổi – nhóm đối tượng dễ bị kẻ gian nhắm đến. Cẩn trọng một chút sẽ giúp tránh được những mất mát lớn về tài sản và tinh thần.