Một trong những nỗi lo lắng của người cao tuổi chính là chứng mất trí nhớ hay sa sút trí tuệ tuổi già
Những hành vi quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhận thức của bạn – và kéo theo đó là những tác động không nhỏ đến sức khỏe tổng thể.
Khi con người già đi, nhiều nỗi lo về sức khỏe sẽ bắt đầu xuất hiện. Nhưng có một nỗi sợ dường như luôn ám ảnh người cao tuổi hơn cả.
“Một trong những nỗi lo thường trực nhất của người lớn tuổi là họ có thể sẽ mất trí nhớ và trở thành gánh nặng cho người khác,” bác sĩ James Ellison, chuyên gia tâm thần học lão khoa tại hệ thống y tế Jefferson Health (Philadelphia, Mỹ), cho biết.
Loại mất trí nhớ mà nhiều người già lo lắng nhất được gọi là chứng sa sút trí tuệ (dementia) – một thuật ngữ bao quát cho các tình trạng khiến người bệnh suy giảm trí tuệ, nhận thức nặng đến mức ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, theo lời bác sĩ Victor Henderson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh Alzheimer thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), Đại học Stanford.
Chứng bệnh này có thể khiến ai đó quên địa chỉ nhà mình, không nhớ vì sao mình ra khỏi nhà, hoặc không còn khả năng thanh toán những hóa đơn quen thuộc. Đây là một căn bệnh đáng sợ, và dù một số người có yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhiều thói quen sống cũng được cho là góp phần làm tăng rủi ro.
“Cho phép tôi nói trước một điều: có rất nhiều yếu tố lối sống liên quan đến nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, đa số các yếu tố này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ thông qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên,” bác sĩ Henderson nhấn mạnh.
Nói cách khác, việc thay đổi những thói quen dưới đây không đảm bảo giúp bạn tránh được hoàn toàn chứng sa sút trí tuệ, nhưng chúng đều là những thói quen tốt cho sức khỏe nói chung. Vậy nên, dù mục tiêu là giảm nguy cơ mắc bệnh, cải thiện sức khỏe tim mạch hay nâng cao tinh thần, bạn cũng nên chú ý đến những điều sau:
1. Bỏ qua vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe não bộ
“Nhiều khuyến nghị về phòng ngừa sa sút trí tuệ hay cải thiện chức năng não thực ra cũng giống với những gì các chương trình chăm sóc tim mạch từng nhấn mạnh,” bác sĩ Christina Prather, Giám đốc Bộ môn Lão khoa và Y học giảm nhẹ tại Đại học George Washington, chia sẻ.
“Chúng tôi luôn nói rằng, cái gì tốt cho tim thì cũng tốt cho não,” bác sĩ Rudy Tanzi, Giám đốc Trung tâm McCance về sức khỏe não bộ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, từng khẳng định.
Ví dụ, chế độ ăn Địa Trung Hải – giàu chất béo lành mạnh, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây – không chỉ có lợi cho tim mà còn rất tốt cho não, và cũng là chế độ được bác sĩ Prather khuyến nghị.
Bà cũng gợi ý theo chế độ ăn MIND – khuyến khích ăn ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả mọng, rau lá xanh, cá, dầu ô liu và các thực phẩm tốt cho sức khỏe não bộ khác. Ngoài ra, ăn theo hướng thực vật cũng được xem là có lợi cho trí não.
2. Không kiểm soát tốt các bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp…
Bạn không nên bỏ qua việc điều trị các bệnh lý nền, theo bác sĩ Prather. Tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao đều là những yếu tố nguy cơ của chứng sa sút trí tuệ.
“Việc kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ này từ sớm là cách rõ ràng để giảm thiểu rủi ro suy giảm trí nhớ trong tương lai,” bà nói thêm.
Đặc biệt, các yếu tố về mạch máu như rung nhĩ, cao huyết áp hay rối loạn lipid máu cần được lưu tâm, bác sĩ Ellison lưu ý. Việc này sẽ giúp bảo vệ lưu lượng máu và nguồn oxy lên não, từ đó giảm nguy cơ sa sút trí tuệ do thiếu máu não (vascular dementia) – một dạng sa sút trí tuệ khá phổ biến.
3. Ngủ không đủ giấc, hoặc giấc ngủ không sâu
“Người lớn tuổi cần ngủ đủ và sâu, vì trong lúc ngủ sâu, não sẽ tự tái tạo và loại bỏ beta amyloid – loại protein độc hại góp phần hình thành bệnh Alzheimer,” bác sĩ Ellison nói.
Ngoài ra, nếu có các rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, bạn nên điều trị sớm, bác sĩ Prather khuyến nghị. Bà nói thêm rằng ngưng thở khi ngủ thường không được chẩn đoán ở người già, dù gây ra giấc ngủ kém chất lượng.
Việc lạm dụng thuốc ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Nếu bạn cảm thấy ngủ dậy vẫn mệt mỏi, hay quên, kém tập trung… thì có thể bạn chưa có được giấc ngủ phục hồi, điều cần thiết để củng cố trí nhớ và duy trì chức năng nhận thức.
4. Không dành thời gian cho gia đình, bạn bè
Cần ưu tiên kết nối xã hội, theo bác sĩ Prather. Cô đơn, trầm cảm và tách biệt xã hội đều có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe – bao gồm cả sức khỏe nhận thức lẫn tuổi thọ.
“Cô đơn hiện là một đại dịch ở người lớn tuổi, và nguy cơ tử vong do cô đơn tương đương với việc hút thuốc ở mức độ trung bình,” bác sĩ Ellison nói.
Giữ cho tâm trí được kích hoạt thông qua giao tiếp xã hội, chẳng hạn như trò chuyện với người thân hay lắng nghe câu chuyện từ người khác, cũng là một cách giữ cho não bộ năng động và khỏe mạnh.
5. Uống quá nhiều rượu
Nhiều nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng rượu không tốt cho sức khỏe nói chung, từ gan, nguy cơ ung thư cho đến… trí nhớ.
“Nếu bạn đang gặp vấn đề về trí nhớ hoặc lo lắng về nhận thức, một trong những lời khuyên đầu tiên tôi đưa ra là: hãy giảm rượu,” bác sĩ Prather chia sẻ.
Càng lớn tuổi, gan càng yếu đi và không xử lý được rượu như thời còn trẻ.
“Rượu không chỉ là độc tố trực tiếp (và chúng ta ngày càng biết rõ nó làm tăng nguy cơ gần như tất cả các loại ung thư), mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ,” bà nói thêm.
Bà gợi ý, hãy quan sát chất lượng giấc ngủ sau khi bạn uống rượu trước khi đi ngủ – bạn có thể nhận thấy rõ sự khác biệt.
Sau 65 tuổi, bác sĩ Prather khuyên không nên uống quá 1 đơn vị rượu mỗi ngày và không quá 7 đơn vị mỗi tuần. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo đàn ông không uống quá 2 đơn vị/ngày, phụ nữ không quá 1.
Có thể đơn giản là đi bộ thay vì lái xe, hoặc lên kế hoạch tham gia lớp tập thể dục, đạp xe…
“Người lớn tuổi nên vận động 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% người trên 75 tuổi đáp ứng được mức này,” ông chia sẻ.
Tập luyện giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, từ đó cũng giúp não hoạt động tốt hơn.
Bác sĩ Prather bổ sung: hãy bắt đầu từ sớm, trước khi bất kỳ dấu hiệu suy giảm trí nhớ nào xuất hiện.
7. Không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp
“Một trong những điều tôi luôn nói với bệnh nhân là: nếu bạn đi xe đạp, hãy đội mũ bảo hiểm,” bác sĩ Henderson khuyên.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chấn thương đầu có liên quan đến nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Dù vai trò của chấn thương đầu trong bệnh lý này ở cấp độ dân số còn đang được tranh luận, nhưng ở cấp độ cá nhân, nó thực sự quan trọng.
8. Bỏ qua các dấu hiệu trầm cảm
“Với vai trò bác sĩ tâm thần, tôi muốn nói thêm về vấn đề trầm cảm,” bác sĩ Ellison chia sẻ.
Dù trầm cảm nặng không phổ biến ở người lớn tuổi như ở người trẻ, nhưng những biểu hiện trầm cảm nhẹ vẫn có thể ảnh hưởng đến các yếu tố quan trọng cho sức khỏe não bộ: giao tiếp, vận động, chăm sóc bản thân và ăn uống.
“Vì vậy, điều trị trầm cảm có thể là một cách giúp cải thiện quá trình lão hóa của trí não,” ông nói.
Tỷ lệ sa sút trí tuệ đang giảm, nhưng đừng đổ lỗi cho người bệnh
“Dù số người mắc chứng sa sút trí tuệ đang tăng, nhưng đó là vì nhiều người sống thọ hơn,” bác sĩ Henderson giải thích.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ mắc bệnh ở từng độ tuổi cụ thể đang có xu hướng giảm nhẹ, nhờ những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe tim mạch.
Hiện nay cũng đã có thuốc điều trị được FDA phê duyệt dành cho Alzheimer – dạng phổ biến nhất của sa sút trí tuệ, và bác sĩ Ellison khuyến nghị nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.
Nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên quên đồ, thay đổi trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống, hay gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, hãy nói chuyện với bác sĩ.
“Chúng ta thường lo sợ bệnh này, bởi hầu hết ai cũng biết một người từng mắc phải. Và chúng ta cảm thấy như chẳng thể kiểm soát được tương lai. Nhưng những điều vừa nêu – những thay đổi về lối sống – là điều nằm trong tầm tay, có thể làm tốt hơn,” bác sĩ Prather chia sẻ.
Dù vậy, vẫn có những người mắc bệnh vì di truyền hoặc các yếu tố không thể thay đổi được, “và chúng ta không nên tạo ra kỳ vọng rằng họ đã thất bại chỉ vì không ngăn ngừa được bệnh. Như vậy là không công bằng,” bà nói thêm.