Trong cuộc sống, lòng nhân ái không chỉ là một đức tính đáng quý mà còn là nền tảng hình thành nên những con người biết yêu thương, đồng cảm và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Nhiều người cho rằng trẻ em vốn hồn nhiên, mang sẵn bản năng yêu thương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, những hạt mầm nhân ái cần được vun trồng và nuôi dưỡng thông qua sự giáo dục từ gia đình và nhà trường.
Thạc sĩ Nguyễn Văn San (Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) nhận định:
“Khi trẻ được giáo dục lòng nhân ái từ nhỏ, các em sẽ sớm hình thành nhân cách tốt. Những giá trị đạo đức, giá trị nhân bản sẽ được xây dựng bền vững theo thời gian. Khi giới trẻ có tinh thần tương thân tương ái, biết giúp đỡ người khác, xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn”.
Thạc sĩ Phạm Tấn Thông (Trường Đại học Hoa Sen) chia sẻ thêm: “Để nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con trẻ không khó, điều quan trọng là người lớn phải làm gương. Cha mẹ chính là tấm gương đầu tiên và gần gũi nhất với trẻ. Những hành động mỗi ngày của chúng ta – dù là nhỏ nhất – đều được con quan sát và ghi nhớ. Chính điều đó góp phần nuôi dưỡng lòng nhân ái nơi trẻ một cách tự nhiên. Ứng xử tử tế không chỉ đến từ bản thân mỗi cá nhân mà còn được vun đắp hàng ngày từ gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội”.
Sau đây là những cách giúp nâng cao lòng nhân ái cho con mà bạn có thể thực hiện
1. Làm gương cho con
Trẻ học bằng cách quan sát. Nếu con thấy ba mẹ giúp đỡ người khác, tử tế với người già, chia sẻ với người kém may mắn, con sẽ mặc nhiên coi đó là cách hành xử bình thường.
Ví dụ: Khi bạn nhường chỗ cho người già trên xe buýt, giải thích nhẹ nhàng cho con rằng: “Vì bà đã lớn tuổi, chân yếu hơn mình, mình nhường để bà đỡ mỏi.”
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Tôi luôn quan tâm đến việc nuôi dưỡng lòng nhân ái cho con qua những việc nhỏ như giúp đỡ việc nhà, hỏi thăm sức khỏe ông bà. Những hành động ấy dạy trẻ biết yêu thương, sống có trách nhiệm với người thân, và khi ra ngoài xã hội cũng sẽ sống tình cảm hơn”.
2. Dạy con biết cảm nhận cảm xúc của người khác
Giúp con học cách đặt mình vào vị trí người khác là nền tảng của lòng trắc ẩn. Hãy thường xuyên hỏi thăm những tình huống. Ví dụ: “Nếu là con bị bạn lấy đồ chơi, con sẽ thấy sao?”
Khi con làm ai đó buồn, hãy giúp con hiểu và gọi tên cảm xúc của người kia, rồi hỏi con muốn làm gì để bạn vui hơn.
3. Khuyến khích những hành vi tử tế, dù nhỏ
Mỗi khi con có hành vi tử tế – như nhường đồ chơi, an ủi bạn, giúp đỡ người thân – hãy khen cụ thể:
“Mẹ rất tự hào vì con đã đưa khăn giấy cho bạn khi bạn khóc. Con thật chu đáo!”
Không cần khen quá đà, nhưng nên thể hiện rằng bạn thấy và đánh giá cao hành vi đó.
4. Tạo cơ hội cho con trải nghiệm lòng nhân ái trong đời thực
Lòng nhân ái không chỉ nằm trong lời nói, mà cần được luyện tập. Hãy cũng con làm những việc nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa như:
- Cùng con đi tặng đồ cũ cho người nghèo.
- Tham gia các hoạt động tình nguyện phù hợp với độ tuổi.
- Đôi khi chỉ cần cho con tự tay làm thiệp cảm ơn cô giáo, hoặc vẽ tặng bạn ốm.
Chị Nguyễn Thị Đào (tỉnh Vĩnh Long) cũng cho biết: “Khi cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện hay chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, bé rất thích. Sau mỗi lần tham gia, con trở nên lễ phép, ngoan ngoãn hơn và biết nói những lời yêu thương, ngọt ngào”.
5. Hạn chế các yếu tố khiến trẻ vô cảm
Tiếp xúc quá nhiều với nội dung bạo lực (trên mạng, game, phim ảnh) có thể khiến trẻ giảm dần sự nhạy cảm với nỗi đau của người khác.
Hãy chọn lọc nội dung phù hợp, giải thích khi có cảnh bạo lực: “Con thấy cảnh đó có khiến ai tổn thương không? Nếu là con, con sẽ làm gì khác?”
6. Dạy con biết nói lời xin lỗi và tha thứ
Xin lỗi là cách thể hiện sự nhận trách nhiệm và tôn trọng cảm xúc người khác – một hành vi cốt lõi của lòng nhân ái. Nhưng quan trọng hơn, hãy giúp con hiểu tại sao mình xin lỗi, chứ không chỉ làm vì bị ép buộc. Dạy con tha thứ cũng vậy – là bài học về lòng bao dung, không nuôi giận lâu dài.
7. Nuôi dưỡng lòng biết ơn – gốc rễ của lòng nhân ái
Một đứa trẻ biết trân trọng những gì mình có sẽ dễ mở lòng với người kém may mắn hơn. Mỗi ngày, có thể cùng con nói 1 điều con biết ơn, dù nhỏ như “Con biết ơn vì hôm nay mẹ nấu món con thích.”
8. Chấp nhận và tôn trọng cảm xúc của con
Khi con buồn, giận, thất vọng – đừng dập tắt cảm xúc ấy bằng câu “Đừng buồn nữa”, “Có gì đâu mà khóc”. Hãy thừa nhận cảm xúc của con và cho phép con được giải tỏa cảm xúc. Qua đó, con sẽ học được cách thừa nhận cảm xúc của người khác – nền tảng của lòng cảm thông.
Lưu ý quan trọng:
- Đừng mong con lúc nào cũng tử tế hay bao dung.
Trẻ cũng có lúc ích kỷ, ghen tị, hay nổi nóng – điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng chính những khoảnh khắc ấy là cơ hội để bạn dạy con về sự tử tế.