Tản mạn

Sài Gòn sao mà ngộ quá

Published on

Sài Gòn bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết mát mẻ khiến con người cũng đa sầu đa cảm hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang hoành hành tại thành phố này.

Thế nhưng, dù đang gồng mình chống dịch, hay đang tất bật với cuộc sống mưu sinh thì Sài Gòn vẫn mang đến cho người sống tại đây những cảm xúc rất riêng.

Tôi đã đọc đâu đó bài viết về mùa Chò rất xúc động và gần đây lại đọc trên Facebook của người bạn một bài viết rất đáng yêu, đáng để đọc trong những ngày tâm trạng không vui không buồn. Đọc để cảm nhận tình người “thô mà thật”. Đọc để mà yêu thêm nơi mình đã và đang sống.

Mình xin trích nguyên văn bài viết trên mạng xã hội của bạn Huỳnh Vĩnh Linh

“Saigon chập mạch! Chập thiệt chứ đùa sao..

Ai đời đi thay pin cái máy, ghé tiệm hỏi. Chị chủ kêu, pin có 2 loại, loại thường 60k, loại khác nhãn của Thụy Sỹ, 150k. Em lấy loại 60k nè, chất lượng gần như nhau, khác cái mác thôi!

Đi mua con cá chép chợ hẻm, giá 90k, bóp còn mỗi 60k. Anh bán cá không quen biết nói: thôi em đưa 60k cũng được, hôm nào ghé gửi anh 30k sau.

Quen biết gì đâu, tui xù thì răng?

Sáng đi bộ, gặp anh Hai từ miền Tây lên bán rau. Thấy rau xanh tươi, mua hẳn 50k. Lúc tính tiền mới nhớ mình mặc đồ lót đi bộ, đâu có mang bóp. Anh Hai miền Tây cười tươi thiệt tươi: “Thôi khỏi, chừng nào anh gặp tui lại, trả sau cũng được mà”. Quen biết gì đâu. Báo hại tui suốt 1 tuần phải đi bộ đúng đường đó, đúng giờ đó mới gặp lại anh Hai rau. Saigon gài bẫy tui chăng?

Tết nhất, bát bún ốc, bún dọc mùng xứ này xứ kia tăng giá rầm trời. Miệt Thủ đô có khi 150k/bát tỉnh rụi. Saigon lơ ngơ viết lên tờ A4: “Vì dịp Tết, quán phải thuê nhân công giá mắc hơn, nên giá mỗi tô xin phụ thu thêm 5k, thành 30k”.

Có thằng em miền trung vào Saigon bán bánh canh cá lóc xứ Quảng, Tết hồi nẳm nó ở lại bán hàng. Ba ngày Tết tất toán xong, nhờ bạn chở ra tiệm sắm đúng 1 cây vàng tiền lãi ròng vì nó bán cũng chỉ lên giá đúng 5k. Khách đến ăn rầm trời, lấy đông bù giá là đó.

Chợ búa ở Saigon ít nói thách, giá nhiêu mua nhiêu. Đâu có như nơi đâu, cái áo đề 780k, kêu tui còn 180k, bán luôn.

Ông anh Saigon ra Hà Nội, ghé quán trà đá vỉa hè. Lúc tính tiền cốc trà đá, kêu 20k. “Sao mắc dữ vậy?”. Đáp tỉnh rụi hà: “Ối dồi! Trà Thái nó đắt lắm. Mà dân Saigon thiếu gì tiền”. Dân Saigon thừa tiền nên uống ly cà phê 12k, ngồi đồng cả ngày với wifi, với trà đá miễn phí châm liên tục.

Vâng, Saigon thiếu gì tiền. Saigon chắt bóp từng đồng thôi. Như cái ở Tô Hiến Thành, quận 10, các y bác sỹ góp tiền lại, đổi ra tiền lẻ 5k, bỏ vô thùng mica trưng ngoài đường với dòng chữ: “Nếu bạn gặp khó khăn hãy lấy 3 tờ”. 3 tờ vị chi là 15k, đủ một suất cơm bé mọn cho người cơ nhỡ.

Saigon không thiếu tiền. Vậy nên mới có anh Lâm Văn Cuộc, bảo vệ ở quán cà phê trên đường Mạc Thị Bưởi. Thấy ai hư xe hoặc hết xăng anh đều giúp đỡ. Ai móc tiền ra gửi biếu, anh đều thẳng thừng từ chối và nói: “Khỏi mà!”. Xe nào hết xăng thì anh lấy xăng xe mình chiết ra cho. Những người được cho ai cũng thấy cũng lạ, hỏi sao anh giúp nhiệt tình vậy. Anh chỉ đáp: “Trời ơi, tiền bạc gì. Xe tôi lúc nào cũng đầy bình, cho một chai xăng xị rưỡi, hai xị có đáng là bao”.

Lại có anh Nguyễn Văn Hiếu (40 tuổi, quê Tiền Giang). Lên Saigon làm bảo vệ cho một cửa hàng trên đường Hoàng Diệu (quận 4). Sau giờ làm anh ra vỉa hè ngủ và trưng cái biển lạ đời “Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Đừng ngại, kêu vá liền. 24/24”.

“Saigon không thiếu tiền” nói xuôi hay nói ngược đều được. Bởi nói xuôi thì rằng Saigon là đầu tàu kinh tế cả nước. Nói ngược là bởi Saigon còn rất nhiều phận đời lầm lũi. Nhưng trong Saigon có cái tình, cái tình ngu ngơ, chập mạch nặng.

Ở Saigon, ghé cây xăng đổ, tự nhiên có một bác già cầm tờ 10k, 2 tờ loại 2k đi xin thêm những người đổ xăng ở cạnh: “Xe tui hết xăng, xin cho tui 10k để đổ cho tròn 20k”. Đừng ngạc nhiên khi những người đó lặng lẽ móc bóp, phụ thêm cho bác dăm mười ngàn để bác đổ đầy bình mà về Củ Chi.

Đúng là Saigon chập mạch, chập nặng lắm rồi! Nhưng tôi vẫn yêu Saigon từ đáy tim mình…”

 

 

2 Comments

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky