Bài nổi bật

Vì sao bạn thường bị mắc kẹt và không thể tiến lên phía trước

Published on

Rất nhiều người trong chúng ta từng cảm nhận sự mắc kẹt trong cuộc sống: một trạng thái mà khao khát vươn lên bị ghìm chặt bởi những ràng buộc vô hình.

Cảm giác bị mắc kẹt – Hiểu và giải phóng chính mình

Bạn có thể khao khát từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi ước mơ nhưng lại bị níu chân bởi những nỗi sợ, những lời tự vấn hay cảm giác tội lỗi. 

Hoặc có thể bạn muốn rời khỏi một mối quan hệ không còn hạnh phúc, nhưng nỗi lo lắng về tương lai khiến bạn chẳng dám bước đi.

Những lựa chọn đều đầy thách thức, nhưng sự im lặng và bất động lại khiến ta cạn kiệt năng lượng, mất dần niềm tin vào bản thân.

Ta cứ loay hoay như vậy, trăn trở mỗi đêm, mỏi mòn trông cậy sự giúp đỡ của người thân hay chuyên gia tư vấn, nhưng rồi chỉ để thấy thời gian trôi qua trong sự bất lực và tự trách.

Gốc rễ của cảm giác bị mắc kẹt

Tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với khá nhiều người và bắt gặp những tình huống mà nếu ở ngoài cuộc, bạn thấy nó thực sự đơn giản. Thế nhưng người trong cuộc lại cứ loay hoay mãi trong bế tắc.

Người ta thường nói rằng “người ngoài cuộc thì sáng, người trong cuộc thì tối”. Điều này hoàn toàn chính xác.

Có nhiều bạn sống trong môi trường độc hại, công việc không như ý. Thế nhưng nếu nói họ đổi môi trường làm việc, thay đổi công việc thì họ lại loanh quanh tìm đủ lý do để từ chối sự thay đổi.

Hay gia đình luôn lục đục, tôi khuyên “Hãy nói chuyện thẳng thắn với đối phương”, nhưng cũng không thể vì họ lo lắng tổn thương người thân yêu hay phá vỡ sự bình yên giả tạo lúc này. Đó chính là cảm giác mắc kẹt.

Có thể nói, khi bạn gặp một sự việc không như ý và muốn tìm giải pháp, người ngoài cuộc thường sẽ đưa ra những lời khuyên: “Sao không thử học một điều gì đó mới hơn?”, “Hãy nói chuyện với đối phương về vấn đề bạn đang gặp phải”, hoặc “Hãy tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp”. Nhưng dù lời khuyên có hợp lý đến đâu, người đang mắc kẹt dường như không thể tiến xa thêm chút nào.

Nguyên nhân sâu xa không nằm ở những lựa chọn hiện tại, mà ở những “luật lệ ngầm” vô hình, hình thành từ thời thơ ấu. Những luật lệ này không được nói ra, nhưng lại âm thầm kiểm soát, níu giữ ta lại.

Ví dụ:

  • “Đừng bao giờ tỏ ra kiêu ngạo, điều đó có thể làm anh/em ghen tị, buồn tủi, bạn bè xa lánh…”
  • “Con phải luôn vui vẻ, nếu không sẽ làm ba mẹ buồn, trầm cảm…”
  • “Gia đình cần con thành công để tự hào…”

Những luật lệ này thường sinh ra từ những tổn thương của cha mẹ hoặc người thân, vô tình truyền lại cho ta như một sự ràng buộc vô hình.

Cái này chúng ta hiểu nhưng cũng tránh việc đổ lỗi hoàn toàn cho cha mẹ hay người thân. Sự thật, họ cũng đang cố gắng cân bằng cuộc sống để tránh những tổn thương cho bản thân họ và gia đình, bao gồm cả bạn. Vì thế, họ cho rằng những điều trên là tốt cho mỗi thành viên trong gia đình. Nhưng thực tế, đôi khi vì lo lắng cho người này lại trở thành tổn thương và nỗi sợ hãi cho người khác.

Vì thế, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này: những luật lệ đúng ở 1 thời điểm nào đó. Nhưng khi chúng ta mắc kẹt với chúng, thì đó sẽ trở thành vấn đề của chính chúng ta.

Hiểu để giải thoát

Việc phá bỏ những luật lệ này đòi hỏi ta phải nhận ra sự tồn tại của chúng và lý do chúng xuất hiện. Câu hỏi cần đặt ra không phải là: “Tại sao tôi không hành động?”, mà là: “Liệu có một luật lệ nào từ thời thơ ấu đang ngăn cản tôi?”.

Chẳng hạn, bạn muốn rời bỏ công việc hiện tại để theo đuổi lĩnh vực sáng tạo. Nhưng trong tiềm thức, bạn bị chi phối bởi luật lệ rằng: “Sự sáng tạo không thể đi đôi với tài chính ổn định.”

Điều này thường xảy ra bởi trước đây, vào thập niên 80-90 việc trở thành ca sĩ, nhạc sĩ… hay người nổi tiếng là bất khả thi. Vì thế, cha mẹ thường hướng con cái đến những nghề nghiệp mang tính “ổn định” như bác sĩ, kỹ sư, nhân viên ngân hàng… Những nghề nghiệp mà ba mẹ cho rằng mang đến sự ổn định về mặt tài chính. 

Thế nhưng, giờ đây thế giới đã khác. Vì thế, nếu cha mẹ khuyên những điều này, bạn có thể suy nghĩ để không khiến nó kiềm hãm sự phát triển của cá nhân bạn.

Tương tự, nếu bạn muốn chấm dứt một mối quan hệ không hạnh phúc, nhưng một “luật lệ” ngầm từ tuổi thơ lại cho rằng: “Bạn phải luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân mình.” Hay định kiến xã hội “Ly hôn là xấu” khiến bạn lo lắng và chùn bước thì bạn đang bị mắc kẹt và khó tìm được hạnh phúc của mình.

Bước ra khỏi cái lồng giam vô hình

Nhận thức được những luật lệ này là bước đầu tiên để giải thoát bản thân. Chúng ta cần hiểu rằng mình đã trưởng thành, và những “luật lệ” ấy giờ đây không còn cần thiết nữa.

Hãy tự nhắc nhở rằng:

  1. Bi kịch gia đình trong quá khứ không còn quyền lực với ta.
  2. Những điều cấm kỵ được tạo ra để bảo vệ ta và gia đình, nhưng giờ đây lại đang làm tổn thương ta.
  3. Ta có quyền buông bỏ những gánh nặng cảm xúc không phải của mình.

Hãy đối diện với cảm giác buồn bã hoặc mâu thuẫn khi phải phá vỡ những luật lệ này, bởi chúng từng gắn liền với tình yêu thương và sự phụ thuộc. Nhưng cũng hãy nhớ rằng, để trung thành với bản thân, đôi khi ta cần phải không trung thành với những gì từng bảo vệ người khác.

Kết luận

Cảm giác bị mắc kẹt không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hay bất tài, mà là kết quả của những mâu thuẫn nội tại kéo dài từ quá khứ. Bằng việc thấu hiểu và kiên nhẫn tháo gỡ, ta có thể tìm thấy con đường tự do, trở về với chính mình – người quan trọng nhất trong cuộc đời này.

Nguồn: ON FEELING STUCK – The school of life

 

Click to comment

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky