Nói lời tích cực
Nhiều người khi nói chuyện với người lạ rất lịch sự, nhã nhặn, nhưng khi nói chuyện với người thân, người yêu thì thô lỗ, cộc cằn. Điều này không chỉ khiến người thân buồn lòng mà nhiều khi còn là nguyên nhân dẫn đến chia ly, xa cách.
Hôm nọ mình mang một món gì đó lên phòng ăn vặt, chồng mình tỏ ý hơi chê bai. Mình khá bực mình trước lời nói và đặc biệt là thái độ của chồng. Vì thế, mình bảo:
– Này em bảo, lần sau anh nói gì với em thì nhớ suy nghĩ thật kỹ trước khi nói nhé. Và đã nói thì NHỚ chỉ NÓI LỜI TÍCH CỰC và MANG TÍNH XÂY DỰNG. OK?
Sau đó chồng mình cười trừ cho qua.
Thực tế là chúng ta đi ra ngoài vì công việc phải ngọt nhạt với khách hàng, vì sếp mà phải khúm núm, nịnh nọt…nhưng ở nhà chúng ta lại rũ bỏ hết các loại mặt nạ trên để có thể sống rất bản năng với người thân và phũ phàng với gia đình mình.
Thậm chí, đôi khi mệt mỏi với công việc, áp lực cuộc sống ta lại về nhà trút giận lên vợ con, anh chị em, kể cả cha mẹ.
Có bao giờ bạn nói với chồng anh tắm đi, người anh hôi như cú. Hay chồng nói với bạn, em ăn mặc cho đàng hoàng vào, béo thế mà còn mặc đồ ngắn ngủn chẳng ra sao???
Những lúc như vậy, bạn nghĩ tâm trạng của người nghe được sẽ thế nào? Hẳn là vừa xấu hổ, vừa bực mình. Và cuối cùng, những lời nói sẽ phản tác dụng. Người nghe không muốn làm theo dù biết người kia nói đúng. Và rất nhiều hiểu lầm, thậm chí là xa cách nhau cũng chỉ vì cách nói chuyện kém tinh tế đó.
Vì thế hãy hạn chế nói những lời tiêu cực hay góp ý sỗ sàng.
Người xưa có câu “Phu thê tương kính như tân” ý nói vợ chồng dù rất thân thiết vẫn nên tôn trọng nhau như ban đầu. Điều này giúp bạn có thể giữ được ngọn lửa yêu thương trong gia đình.
Sau đây là những mẹo tip mà mình sưu tầm được để giúp bạn tăng cường Kỹ năng giao tiếp để cư xử với người yêu như là bạn
Hãy nói lời tích cực với người thân
Đừng nói trống không
Buổi trò chuyện sẽ luôn diễn ra suôn sẻ khi bạn dùng nhân xưng “anh” hoặc “em” trong mỗi câu nói. Điều này chỉ ra bạn muốn trao đổi một cách hòa nhã chứ không thích tranh cãi. Đồng thời, hành động đó còn khẳng định bạn đang nói chuyện với đối phương chứ không phải bất cứ một ai khác và người ấy cần lắng nghe.
Đừng chỉ trích, tấn công đối phương
Khi bạn sử dụng những câu nói đầy hàm ý mỉa mai, “nói cạnh nói khóe”, ngẫu nhiên, bạn tự thiết lập hành động phòng thủ trong giao tiếp cho đối phương khiến người ấy luôn đề phòng, không thoải mái hoặc cảm thấy khó chia sẻ với bạn. Dù bạn đang rất tức giận, bạn cũng nên cố gắng giữ bình tĩnh hay dừng cuộc nói chuyện lại, đừng làm những điều để sau này bản thân phải hối hận.
Nói ra suy nghĩ của mình
Người bạn đời không phải là một nhà tiên tri hay thần thánh, có thể đọc được suy nghĩ của bạn. Thay vì giữ im lặng hoặc tỏ thái độ khó chịu, bạn nên nói rõ cảm nhận cũng như ý nghĩ của bản thân. Như vậy, mọi phiền phức và rắc rối mới được giải quyết triệt để.
Cư xử công bằng
Nếu không đồng ý với những gì đối phương đưa ra, bạn có thể đặt câu hỏi và nghe người đó giải thích. Một điều quan trọng hơn nữa là bạn nên tôn trọng ý kiến của nửa kia, đừng vội phản bác hay châm chọc từng câu nói, chỉ làm mọi chuyện thêm rắc rối
Tránh các từ ngữ tiêu cực
Một điều quan trọng trong cách giao tiếp là giữ một ngữ điệu tích cực và mang tính xây dựng. Hãy nhớ rằng, các bạn ở cùng một phe, đi trên cùng một con thuyền!
Tránh nói đùa hay giễu cợt người kia. Những điều bạn thấy buồn cười lại có thể là một nỗi đau mà họ giấu kín trong lòng và rất dễ gây tổn thương cho họ.
Hãy nhìn mọi việc từ quan điểm của người kia
Bạn không cần phải đồng ý với người kia. (Các bạn là hai người khác nhau cơ mà!) Nhưng bạn nên dành thời gian để tìm các hiểu mối quan tâm thực sự của người kia.
Rất nhiều cuộc cãi vã bắt nguồn từ việc cả hai chỉ tập trung vào các giải pháp, và có rất nhiều cách giải quyết một vấn đề khi bạn biết mối quan tâm thực sự là gì. Một khi cả hai đã nói ra những lo lắng và mong muốn của mình, các bạn có thể cùng nhau tìm ra một giải pháp hợp lý.
Linh hoạt là điều rất quan trọng giúp bạn có thể giao tiếp tốt đẹp và nó cũng là chìa khóa để duy trì một mối quan hệ lâu dài.
Thái độ chân thành, thẳng thắn
Sự chân thành trong mọi hoàn cảnh đều rất tốt, còn thái độ thiếu nghiêm túc dễ khiến đối phương nghĩ bạn đang bông đùa. Thái độ chân thành luôn nhận lại được những cảm giác dễ chịu, vì thế, dù không đồng ý với quan điểm của bạn, người kia cũng sẽ đón nhận và trao đổi nhẹ nhàng, tinh tế.
1 Comment