Sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích trong công việc và giải trí. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích đó là vô vàn rủi ro, nhất là đối với trẻ em – đối tượng dễ bị tổn thương và thiếu kinh nghiệm trong việc nhận diện mối nguy hại.
Nguy cơ khi trẻ em sử dụng mạng xã hội
Trong chương trình Lời Cảnh Báo, em N.L.B.N (TP. Cần Thơ) đã gặp phải tình huống khiến bản thân vô cùng hoảng loạn. Em kể:
“Khi sử dụng mạng xã hội, có người lạ nhắn tin cho tiền nếu em làm theo yêu cầu của họ. Họ còn uy hiếp, dọa nạt, yêu cầu chụp hình hoặc nạp thẻ cào. Lúc đó, em không biết phải làm gì, may mà có người thân phát hiện kịp thời.”

Không nên cho trẻ em sử dụng mạng xã hội quá sớm khi chưa đủ kiến thức bảo vệ bản thân
Trường hợp của B.N không phải là cá biệt. Theo bà Trần Thị Quế Chi, Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục và Đào tạo, những tình huống như vậy ngày càng phổ biến trong bối cảnh trẻ em có xu hướng sử dụng mạng xã hội từ rất sớm nhưng lại thiếu kỹ năng tự bảo vệ.
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ và mạng xã hội mang lại cho đời sống. Thế nhưng, chúng ta lại quên mất một điều rằng trẻ em là nhóm yếu thế cần được bảo vệ đặc biệt trên không gian mạng.
Có những trường hợp kẻ xấu giả danh để trà trộn vào các nhóm học sinh, tạo dựng niềm tin, sau đó tiến hành đe dọa, bắt nạt. Chúng có thể gửi những clip nhạy cảm để dụ dỗ trẻ cùng xem, từ đó gây áp lực hoặc hăm dọa với mục đích tiêu cực.”
Nhận diện nguy cơ và trang bị kỹ năng
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể, theo Điều 36 của Nghị định 30 năm 2021, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý sau khi sự việc xảy ra không thể bù đắp tổn thương tinh thần của trẻ. Do đó, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa và nâng cao ý thức bảo vệ.
Những việc cha mẹ cần làm
- Giáo dục và nâng cao nhận thức
Trẻ cần được hướng dẫn về những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia mạng xã hội, bao gồm việc không kết bạn với người lạ, không chia sẻ thông tin cá nhân, và tuyệt đối không nhận tiền hoặc quà tặng từ người không quen biết.
- Thiết lập nguyên tắc sử dụng mạng xã hội
Hãy đặt ra các quy tắc an toàn, ví dụ như: chỉ sử dụng các nền tảng được cha mẹ cho phép, không nhấp vào đường link lạ, và luôn trao đổi với phụ huynh nếu có điều bất thường.
- Xây dựng sự tin tưởng và khuyến khích trẻ chia sẻ
Thay vì cấm đoán, hãy đồng hành cùng con để trẻ cảm thấy an toàn khi chia sẻ những trải nghiệm trên mạng. Khuyến khích trẻ kể lại mọi tình huống đáng ngờ mà không lo bị trách mắng.
- Trang bị kỹ năng bảo mật thông tin
Dạy trẻ cách sử dụng mật khẩu mạnh, cách bảo mật tài khoản, cũng như cách nhận diện các dấu hiệu lừa đảo.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà còn là vai trò quan trọng của gia đình và cộng đồng. Cha mẹ cần luôn bên cạnh, hướng dẫn trẻ cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và thông minh. Bằng cách đồng hành và giáo dục, chúng ta có thể giúp trẻ tự tin hơn trước những nguy cơ tiềm ẩn trên môi trường số.