Bài nổi bật

Tìm hiểu về cảm giác cô đơn và cách để vượt qua nó

Published on

Có bao giờ tự nhiên bạn cảm giác cô đơn lạ thường, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Dù công việc vẫn bình thường, chồng con vẫn ngoan ngoãn. Thế nhưng, bạn bỗng thấy “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

Theo các chuyên gia tâm lý, cảm giác cô đơn đôi khi xuất hiện ngay cả khi con người sống trong môi trường quen thuộc và không có sự thay đổi lớn. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa về tâm lý và xã hội mà có thể ngay cả bạn cũng không nhận ra.

Có những nguyên nhân cơ bản sau, hãy cùng suy ngẫm và tìm ra nguyên nhân của mình. Bởi phải tìm ra nguyên nhân thì bạn mới có thể “chữa lành” và mang đến sự thỏa mãn, hạnh phúc cho bản thân

Các nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác cô đơn

Sự thay đổi cảm xúc bên trong

Mặc dù cuộc sống bên ngoài có thể ổn định, nhưng cảm xúc bên trong có thể biến đổi do nhiều yếu tố như căng thẳng, lo âu, hoặc suy nghĩ tiêu cực. Những cảm xúc này khiến con người cảm thấy không được kết nối với người xung quanh.

Thiếu sự đồng cảm hoặc thấu hiểu

Cảm giác cô đơn có thể là một sự cảnh báo cho bạn về sự thiếu kết nối với người xung quanh, đặc biệt là với những mối quan hệ gần gũi. Điều này có thể cảnh báo cho bạn nhiều về những nguy cơ tiềm ẩn với các mối quan hệ bạn bè, gia đình, tình yêu…

Có rất nhiều người dù vẫn nói chuyện vui vẻ với mọi người, thế nhưng, sâu bên trong họ không thực sự được sống đúng với bản chất của mình. Họ phải đóng những vai khác nhau trong cuộc sống: người con hiếu thảo, người chồng/người mẹ đảm đang, người yêu thấu hiểu… Vì thế, đôi khi cảm giác mệt mỏi và không có ai hiểu mình.

Việc cảm thấy không ai thực sự hiểu hoặc đồng cảm với mình mang đến sự cô đơn dù đang sống giữa đám đông, giữa gia đình. Cảm giác này nếu chỉ là thoáng qua thì có thể chỉ là vài phút giây bạn cần lắng đọng lại để sống thật với mình hơn.

Còn nếu nó diễn ra dai dẳng thì bạn thực sự cần xem lại các mối quan hệ của mình. Bạn đã cởi mở khi giao tiếp với chồng/vợ, cha/mẹ, bạn bè chưa? Bạn đã sống thật với cảm xúc của mình chưa? Những người thân yêu có thực sự hiểu bạn không? Khi trả lời được những câu hỏi này, có lẽ bạn đã hiểu phần nào vì sao mình cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Sự cô lập về mặt tinh thần

Như trên có nói, có nhiều người dù có nhiều mối quan hệ xã hội, nhưng lại không có ai để chia sẻ những suy nghĩ, lo lắng sâu thẳm trong tâm hồn. Điều này khiến họ cảm thấy không kết nối về mặt tinh thần với bất kỳ ai.

Vì vậy, một người bạn tâm giao, một người bạn thân, hay một người yêu có cùng nhân sinh quan giống mình là một món quà quý trong cuộc sống.

Kỳ vọng xã hội

Con người thường có những kỳ vọng về việc phải luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Khi không đạt được những cảm xúc đó, họ có thể tự đánh giá thấp mình và rơi vào cảm giác cô đơn.

Vì vậy, hãy thả lỏng, dù có bất kỳ cảm xúc nào, hay cuộc sống không như ý mình thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Ngay cả cảm giác cô đơn này cũng thế.

Những thay đổi nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn

Những thay đổi nhỏ trong cuộc sống như mất ngủ, áp lực công việc hay mâu thuẫn gia đình, có thể tạo ra sự bất an ngầm, dẫn đến cảm giác cô đơn mà đôi khi người ta không nhận ra.

Cảm giác cô đơn này có thể là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý của con người. Điều quan trọng là tìm cách đối mặt và chia sẻ với người thân hoặc chuyên gia nếu cảm giác này kéo dài.

Làm thế nào để vượt qua cảm giác cô đơn

Trước tiên, bạn cần hiểu rõ, cảm giác cô đơn không xấu. Đôi khi điều này giúp bạn sống chậm lại, suy nghĩ nhiều hơn và hiểu rõ hơn về bản thân. Bên cạnh đó, khi quen với việc cô đơn, bạn có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của sự độc lập, mạnh mẽ trong nội tâm mình.

Tuy nhiên, nếu cảm giác cô đơn kéo dài sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt. Nó có thể khiến bạn rơi vào trầm cảm, căng thẳng, buồn chán. Lâu dần ảnh hưởng đến thể chất như các bệnh về tim mạch. 

Vì thế, nếu bạn đang cảm thấy khó chịu với cảm giác cô đơn và muốn vượt qua nó để sống vui vẻ, hạnh phúc, khỏe mạnh hơn thì bạn có thể tham khảo các biện pháp bên dưới.

1. Kết nối với bản thân

Thực hành tự chăm sóc: Hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân cả về thể chất và tinh thần. Điều này có thể bao gồm việc tập thể dục, ăn uống lành mạnh, và thực hành thiền định hoặc yoga.

Ngoài ra, bạn cũng có thể khám phá và phát triển những sở thích mới. Việc tập trung vào một hoạt động sáng tạo hoặc học hỏi điều gì đó mới mẻ có thể làm giảm cảm giác cô đơn.

2. Xây dựng mối quan hệ

Kết nối lại với người thân và bạn bè: Cảm giác cô đơn thường đến từ việc mất kết nối với những người thân yêu. Vì vậy, dù có bận rộn cũng nên dành thêm thời gian để gặp gỡ, trao đổi và trò chuyện cùng với họ thường xuyên hơn, dù chỉ là qua điện thoại hoặc video call.

Một mẹo típ là việc gặp gỡ hay trao đổi trực tiếp luôn mang lại nhiều niềm vui hơn việc liên lạc qua tin nhắn, mạng xã hội hay các phương tiện công nghệ khác.

Bên cạnh đó, việc Tham gia các hoạt động xã hội cũng giúp giảm đáng kể cảm giác cô đơn. Đặc biệt là tham gia các hoạt động thiện nguyện. Điều này không chỉ giúp bạn kết nối xã hội, cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn giúp bạn cảm thấy yêu đời khi mình mang lại những giá trị cho cộng đồng và xã hội.

Ngoài ra, việc mở rộng mối quan hệ bằng cách tham gia các nhóm hoặc câu lạc bộ có cùng sở thích có thể cũng giúp bạn cảm thấy vui vẻ và yêu đời hơn rất nhiều.

3. Thay đổi tư duy

Chấp nhận cảm giác cô đơn: Đôi khi, việc chấp nhận rằng cảm giác cô đơn là một phần tự nhiên của cuộc sống có thể giúp bạn đối mặt với nó một cách nhẹ nhàng hơn. Thay vì chống lại, hãy cho phép bản thân cảm nhận và hiểu rằng điều này chỉ là tạm thời.

Suy nghĩ tích cực: Các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu và cho thấy, việc suy nghĩ tích cực có tác động vô cùng lớn với sức khỏe tinh thần. Vì thế, việc tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống và biết ơn những gì bạn có cũng giúp làm giảm cảm giác cô đơn và tăng cảm giác hài lòng, hạnh phúc.

4. Phát triển bản thân

Đặt mục tiêu cá nhân: Làm việc để đạt được các mục tiêu cá nhân có thể giúp bạn cảm thấy tự hào về bản thân và giảm bớt cảm giác cô đơn. Đó có thể là những mục tiêu nhỏ như đọc sách, học một kỹ năng mới, hoặc thực hiện một dự án cá nhân.

Học cách tự thỏa mãn: Thay vì dựa vào người khác để làm cho bạn hạnh phúc, hãy học cách tìm kiếm niềm vui từ những trải nghiệm cá nhân, chẳng hạn như đi dạo, thưởng thức một bộ phim, hoặc đơn giản là thư giãn với âm nhạc yêu thích. Khi tự mình tìm được hạnh phúc tự thân, cảm giác cô đơn sẽ giảm bớt khá nhiều.

5. Tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân

Nếu cảm giác cô đơn trở nên quá mức, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình, hoặc chuyên gia tư vấn. Đôi khi, chỉ cần nói ra cảm xúc của mình đã có thể giúp giảm bớt nỗi cô đơn.

Nếu bạn không có nhiều bạn bè hay không có điều kiện để tìm gặp các chuyên gia tâm lý, bạn có thể tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ có chung niềm quan tâm để mở rộng thêm bạn bè cũng như chia sẻ cùng nhau. Tuy nhiên, nên tìm kiếm những người tích cực, có mong muốn cải thiện đời sống tinh thần, đừng cuốn vào nỗi buồn của nhau khiến gia tăng thêm những cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi.

Nói chung, việc chia sẻ cảm xúc rất quan trọng, nhưng bạn phải “tìm bạn mà chơi”, hãy chủ động kết nối với những người tích cực để giúp cải thiện tâm trạng.

6. Tập trung vào hiện tại

Thực hành sống chánh niệm giúp bạn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại thay vì lo lắng về quá khứ hay tương lai. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy kết nối hơn với bản thân và môi trường xung quanh.

Có thể nói, cảm giác cô đơn không hẳn xấu. Nó có thể là một cơ hội để bạn tìm hiểu thêm về chính mình và phát triển những kết nối sâu sắc hơn, cả với bản thân lẫn người khác. Vì thế, thay vì chán nản, mệt mỏi, bạn hãy trân trọng cảm giác này và cố gắng luôn hướng những suy nghĩ của mình theo hướng lạc quan nhất có thể.

Chúc bạn luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng, vui vẻ và hạnh phúc!

 

Click to comment

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky