Việc chi tiêu quá mức đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết trong thời đại ngày nay, khi mỗi lần lướt mạng xã hội, chúng ta đều thấy những hình ảnh hào nhoáng của cuộc sống xa hoa. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng thu nhập đã mở ra cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với một xu hướng nguy hiểm: lối sống xa hoa.
Lối sống xa hoa, hay còn gọi là sự tăng trưởng trong chi tiêu tỉ lệ thuận với thu nhập, không phải là hiện tượng mới. Dù nó mang lại những giá trị tích cực như cải thiện chất lượng cuộc sống, song không ít người rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính do không thể kiểm soát việc chi tiêu của mình. Các chuyên gia tài chính nhận định “Lối sống xa hoa ám chỉ việc chúng ta thường chi tiêu nhiều hơn khi thu nhập tăng lên. Nó xảy ra khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh và cảm thấy cần phải ‘bắt kịp’ họ.”
Lối sống xa hoa là gì?
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc chi tiêu xa xỉ dường như trở thành một chuẩn mực mà nhiều người muốn đạt được. “Bạn được tăng lương, và ngay lập tức bạn quyết định nâng cấp điện thoại, ăn ngoài thường xuyên hơn và chi tiêu nhiều hơn cho các kỳ nghỉ sang chảnh,” Bola Sokunbi, người sáng lập Clever Girl Finance, chia sẻ.
Điều này xuất phát từ cảm giác rằng chúng ta xứng đáng được tận hưởng những thành quả từ công việc của mình.
Đáng sợ hơn, sự thay đổi này thường diễn ra âm thầm và khó nhận biết. Dasha Kennedy, nhà sáng lập blog The Broke Black Girl, nhấn mạnh: “Đây là sự gia tăng chậm rãi trong chi tiêu mà bạn không chú ý đến cho đến khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến tài khoản tiết kiệm và tình hình tài chính của bạn.” Một khi chúng ta quen với việc tiêu nhiều tiền hơn, việc kiểm soát chi tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi nó không mang lại giá trị thực sự lâu dài.
Ảnh hưởng từ mạng xã hội
Không chỉ tại các nước Châu Âu hay Mỹ, nơi nền kinh tế phát triển mà ngay tại phương Đông như Việt Nam, lối sống xa hoa cũng đang ngày trở nên phổ biến.
Nhiều bạn trẻ Việt chia sẻ, do nhìn thấy những hình ảnh flex độ sang chảnh, giàu sang của những rick kid trên các trang mạng xã hội. Điều này tác động đến lối sống của các bạn. Vì thế, các bạn cũng mong muốn có thể sống một cách xa hoa như vậy.
Không hiếm những bạn trẻ, thu nhập dưới 10 triệu nhưng tiêu xài như người có thu nhập 30-40 triệu. Dù cho phải nợ nần và không có tích lũy gì.

Lợi ích và rủi ro từ lối sống xa hoa
Không thể phủ nhận rằng việc tận hưởng lối sống cao cấp mang lại những mặt tích cực nhất định. Theo Sokunbi, lối sống xa hoa giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và mang lại động lực để phấn đấu hơn trong công việc.
“Bạn cảm thấy mình có quyền tận hưởng thành quả lao động của mình, và điều đó không có gì sai,” cô nói.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho lối sống này không hề nhỏ. “Lợi ích của việc sống xa hoa là bạn có thể tận hưởng những thứ tốt đẹp trong cuộc sống, nhưng đồng thời bạn có nguy cơ gặp phải căng thẳng tài chính khi chi tiêu quá đà,” Sokunbi cảnh báo.
Những khoản chi tiêu không kiểm soát có thể dẫn đến việc giảm tiết kiệm, thậm chí khiến bạn phải sống dựa vào mức lương hàng tháng mà không thể tạo dựng một quỹ tài chính vững chắc.
Kara Stevens, tác giả của “Heal Your Relationship With Money”, lưu ý: “Kiếm được nhiều tiền hơn không có nghĩa là bạn nên tiêu hết chúng. Lối sống xa hoa có thể biến thành một con dốc trơn trượt, khi bạn chi tiêu nhiều hơn để tận hưởng cuộc sống nhưng lại quên mất những mục tiêu tài chính dài hạn.”
Rủi ro về tài chính cá nhân
Khi thu nhập tăng, nhiều người thường dễ dàng rơi vào bẫy của việc chi tiêu theo cảm xúc. Kennedy chỉ ra rằng, lối sống xa hoa có thể làm hao mòn tiền tiết kiệm và tạo ra căng thẳng tài chính, đặc biệt là khi những chi phí hàng ngày trở nên quá đắt đỏ. “Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn khi các nghĩa vụ tài chính bắt đầu gia tăng mà không có kế hoạch dự phòng hợp lý,” cô cảnh báo.
Thậm chí, việc theo đuổi lối sống này còn khiến chúng ta mất đi sự linh hoạt trong cuộc sống. Những khoản chi tiêu không cần thiết sẽ tạo ra áp lực lớn khi bạn gặp khó khăn bất ngờ, chẳng hạn như mất việc làm hoặc chi phí y tế tăng cao. Chính vì vậy, việc nhận diện và kiểm soát lối sống này là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sự ổn định tài chính lâu dài.
Làm sao để kiểm soát chi tiêu
Làm sao để tận hưởng cuộc sống mà không bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu? Chuyên gia Kimberly Palmer gợi ý: “Việc theo dõi chi tiêu hàng tháng là bước đầu tiên giúp bạn nhận ra những thay đổi nhỏ trong cách chi tiêu của mình.” Xem lại sao kê thẻ tín dụng, lập ngân sách và sử dụng các ứng dụng tài chính có thể giúp bạn kiểm soát dòng tiền.
Một mẹo hữu ích khác đến từ Sokunbi là thiết lập các mục tiêu tài chính cụ thể, như tiết kiệm để mua nhà, nghỉ hưu, hoặc xây dựng quỹ khẩn cấp. “Tạo ngân sách để theo dõi thu nhập và chi phí là điều cần thiết. Nó giúp bạn nhìn thấy rõ mình đã tiêu tiền như thế nào và liệu có vượt qua giới hạn tài chính của mình hay không.”
Ngoài ra, không phải lúc nào bạn cũng cần mua sắm theo cảm xúc. Trước khi quyết định chi tiêu cho một món đồ lớn, hãy tự hỏi: liệu nó có thực sự cần thiết và có phù hợp với mục tiêu tài chính dài hạn của bạn không?
Tận hưởng có kiểm soát
Lối sống xa hoa không phải là điều xấu nếu chúng ta biết kiểm soát. Điều quan trọng là bạn cần cân đối giữa việc tận hưởng thành quả lao động và bảo vệ sự ổn định tài chính của mình.
Kennedy khuyên: “Hãy dành ra một khoản tiền để chi tiêu cho những thứ bạn thích, nhưng đồng thời hãy luôn đảm bảo rằng bạn không vượt qua ngân sách của mình và luôn có quỹ tiết kiệm dự phòng.”
Sokunbi cũng khuyến nghị việc sống dưới mức thu nhập của mình. “Chỉ vì bạn có khả năng mua thứ gì đó không có nghĩa là bạn nên mua nó,” cô nói. “Hãy luôn nghĩ đến những mục tiêu tài chính dài hạn trước khi đưa ra quyết định chi tiêu.”
Tận hưởng cuộc sống không phải là điều sai, nhưng chúng ta cần tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy của những chi tiêu không cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn bảo vệ tài chính cá nhân mà còn mang lại sự tự do và linh hoạt trong cuộc sống, đảm bảo rằng bạn có thể đối phó với bất kỳ biến động nào trong tương lai.
Xem thêm:
Lời khuyên của chuyên gia về tài chính cá nhân từ đây đến 80 tuổi
“Funflation”: Khi niềm vui trở thành gánh nặng tài chính