Trong cuộc sống hiện đại, cha mẹ phải đối diện với vô số áp lực từ công việc, cuộc sống. Đôi khi, vì những căng thẳng đó, họ vô tình truyền tải năng lượng tiêu cực đến con cái. Những lời nói, hành động trong những lúc nóng giận hay thất vọng có thể khiến bầu không khí gia đình trở nên nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trẻ em.
Một câu chuyện thực tế từ bé N.M.H (TP.HCM) trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống cho thấy rõ điều này: “Con sợ ba lắm nên con phải luôn điểm cao. Nếu con bị điểm thấp, ba mẹ sẽ la và không thương con nữa”. Những lời chia sẻ của bé khiến nhiều người phải suy ngẫm về áp lực vô hình mà các em đang gánh chịu từ những kỳ vọng quá cao của cha mẹ.
Trái ngược với điều này, em N.G.B (TP.HCM) chia sẻ trải nghiệm tích cực hơn: “Khi việc học quá áp lực, em thường nói cho ba mẹ biết. Ba mẹ rất thoải mái, mẹ còn rất hài hước và thường động viên, giúp em tìm cách cải thiện điểm số”. Sự khác biệt trong cách ứng xử của cha mẹ có thể mang lại những kết quả hoàn toàn khác biệt trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu, chuyên gia tâm lý, cảm xúc của cha mẹ luôn có sự tác động mạnh mẽ đến con cái: “Cảm xúc của cha mẹ không chỉ nằm bên trong mà còn thể hiện ra bên ngoài qua lời nói và hành động. Khi cha mẹ duy trì năng lượng tích cực, trẻ sẽ dễ cảm nhận và hình thành lòng tự tin cũng như sự tự hào về bản thân.”
Cha mẹ nên thường xuyên thể hiện sự khen ngợi, ghi nhận hành vi tốt của con để giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương
Việc ba mẹ luôn động viên con cái mang lại nhiều lợi ích vượt trội, không chỉ cho sự phát triển cá nhân của trẻ mà còn giúp củng cố mối quan hệ gia đình. Dưới đây là những lợi ích quan trọng của việc động viên con cái:
1. Xây dựng lòng tự tin
Khi được ba mẹ động viên thường xuyên, trẻ cảm thấy được công nhận và trân trọng. Điều này giúp trẻ phát triển lòng tự tin và tin tưởng vào khả năng của bản thân. Trẻ sẽ dám thử thách những điều mới, không sợ thất bại và luôn tin rằng mình có thể đạt được mục tiêu nếu cố gắng.
2. Tạo động lực học tập, khuyến khích sự sáng tạo
Được ba mẹ động viên, khuyến khích, trẻ sẽ có động lực để vượt qua những khó khăn trong học tập, cuộc sống. Đồng thời giảm những áp lực về thành tích. Điều này giúp trẻ phát triển tinh thần kiên nhẫn, sự cầu tiến.
Ngoài ra, nếu ba mẹ không chỉ động viên mà còn khuyến khích con cái thử nghiệm những điều mới, trẻ sẽ cảm thấy tự do trong việc sáng tạo và khám phá thế giới xung quanh. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo, dám mơ ước lớn và không sợ thử thách.
3. Cải thiện sức khỏe tinh thần
Trẻ em được sống trong môi trường tích cực, nơi các em cảm nhận được sự yêu thương và ủng hộ từ ba mẹ, sẽ có tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ căng thẳng, lo âu và các vấn đề tâm lý khác. Việc động viên thường xuyên giúp trẻ biết cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn.
4. Xây dựng mối quan hệ gia đình gắn kết
Việc động viên và khuyến khích trẻ tạo ra môi trường giao tiếp tích cực giữa ba mẹ và con cái. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và hiểu biết mà còn giúp ba mẹ thấu hiểu con hơn.
Đồng thời, qua việc được ba mẹ động viên, khuyến khích cũng giúp trẻ cảm thấy an toàn, và tin tưởng vào cha mẹ hơn. Trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ những khó khăn, thất bại, cũng như những thành công với ba mẹ mà không sợ bị phán xét, điều này tạo ra mối quan hệ bền chặt và gắn bó hơn.
5. Giúp trẻ học cách tự động viên
Ba mẹ chính là hình mẫu mà trẻ em thường noi theo. Khi ba mẹ luôn thể hiện sự ủng hộ và động viên tích cực, trẻ sẽ học cách tự động viên bản thân khi gặp khó khăn, biết cách nhìn nhận mặt tích cực của vấn đề và không bị gục ngã trước thất bại.
6. Thúc đẩy sự phát triển về cảm xúc, tinh thần trách nhiệm
Lời động viên từ ba mẹ giúp trẻ phát triển tốt các kỹ năng cảm xúc, như quản lý cảm xúc, đồng cảm và thấu hiểu người khác. Trẻ sẽ học cách lắng nghe và ủng hộ những người xung quanh, từ đó hình thành những mối quan hệ xã hội tích cực.
Khi ba mẹ động viên nhưng cũng đi kèm với việc nhắc nhở nhẹ nhàng về trách nhiệm, trẻ sẽ học được rằng việc hoàn thành nhiệm vụ và làm điều đúng đắn không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân mà còn được ba mẹ trân trọng và khen ngợi.
Việc lan tỏa năng lượng tích cực không chỉ dừng lại ở lời nói, mà còn thông qua những hoạt động gắn kết gia đình.
Cùng nhau nấu ăn, tham gia thể thao hay các hoạt động cộng đồng là cách tuyệt vời để gia đình giải tỏa căng thẳng và tạo dựng không gian vui vẻ, thân thiết. Những khoảnh khắc chia sẻ như vậy giúp không chỉ trẻ mà cả cha mẹ cũng nuôi dưỡng được tinh thần lạc quan, tích cực hơn.
Tóm lại, việc truyền tải năng lượng tích cực không chỉ nằm ở hành động nhất thời mà là quá trình lâu dài trong việc duy trì không khí vui vẻ, gần gũi giữa các thành viên trong gia đình.
Khi cha mẹ thay đổi cách ứng xử, các con không chỉ cảm thấy an toàn, yêu thương mà còn có động lực phát triển bản thân theo hướng tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng giữ được cảm xúc tích cực để lan truyền cho con. Những áp lực cuộc sống, công việc, các mối quan hệ… có thể khiến tâm trạng bạn xuống dốc và không thể quản lý cảm xúc.
Vì thế, để quản lý cảm xúc và tạo ra môi trường lành mạnh để hỗ trợ con, bạn cần học cách duy trì và lan tỏa năng lực tích cực đến con thông qua việc chăm sóc bản thân mình. Dưới đây là một số cách mà các chuyên gia tâm lý tư vấn để bạn có thể thực hiện.
Làm thế nào để duy trì năng lượng tích cực với con
Chăm sóc bản thân:
Cha mẹ thường bỏ quên việc chăm sóc chính mình vì mải lo lắng cho gia đình hoặc công việc. Điều này về lâu dài sẽ khiến bạn kiệt sức, không còn đủ năng lượng để duy trì sự lạc quan, vui vẻ.
Vì thế, bạn cần ưu tiên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mình.
Về mặt thể chất:
Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn (tối thiểu nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày). Nếu quá bận rộn hãy nhờ người thân trợ giúp chăm con hoặc làm việc nhà thay bạn. Bạn cần phải ưu tiên sức khỏe của mình đầu tiên
Tập thể dục và tham gia vào những hoạt động mình yêu thích: có thể tham gia một lớp yoga, zumba, chạy bộ… để tăng cường thể chất.
Về mặt tinh thần:
Quản lý căng thẳng: Thường xuyên đối mặt với áp lực từ công việc, tài chính, và cuộc sống có thể khiến bạn dễ cáu giận. Học cách quản lý căng thẳng thông qua các kỹ thuật như hít thở sâu, thiền, hoặc yoga có thể giúp duy trì tinh thần thư giãn. Khi bạn bình tĩnh, cảm xúc của bạn cũng sẽ nhẹ nhàng hơn và không ảnh hưởng tiêu cực đến con cái.
Thực hành lòng biết ơn: Tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống và thể hiện lòng biết ơn mỗi ngày có thể thay đổi tư duy và thái độ sống của bạn.
Tự động viên và học từ thất bại: Không phải lúc nào bạn cũng có thể hoàn toàn kiểm soát cảm xúc của mình. Đôi khi bạn sẽ gặp khó khăn, nhưng điều quan trọng là biết tự động viên và học hỏi từ những sai lầm. Hãy chấp nhận rằng cảm xúc tiêu cực là điều không thể tránh khỏi và tập trung vào việc cải thiện thay vì trách móc bản thân.
Nếu tâm trạng không tốt, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn trong việc duy trì cảm xúc tích cực. Kết nối với những người có suy nghĩ tích cực hoặc tham gia các cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ cũng là cách tốt để nuôi dưỡng tinh thần tích cực.
Chia sẻ và lắng nghe con cái
Tạo ra môi trường thoải mái để con cái có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình là cách tốt để kết nối và duy trì cảm xúc tích cực trong gia đình. Lắng nghe con một cách chân thành, không phán xét sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng, từ đó lan tỏa cảm giác hạnh phúc, an lành.
Kiểm soát cảm xúc qua phản ứng
Trước khi phản ứng với các hành động của con, hãy thử dừng lại và suy nghĩ. Việc này giúp bạn tránh hành động bộc phát và chọn cách giao tiếp nhẹ nhàng, tích cực hơn. Thay vì la mắng khi con phạm lỗi, hãy tìm cách giải thích hoặc khuyến khích con sửa sai.
Tạo không gian vui chơi và thư giãn
Tham gia các hoạt động vui chơi gia đình như đi dạo, cắm trại, chơi thể thao hoặc đơn giản là cùng nhau nấu ăn, làm việc nhà có thể giúp các thành viên kết nối với nhau. Những hoạt động này không chỉ giải tỏa căng thẳng mà còn tạo ra những kỷ niệm vui vẻ và tích cực trong gia đình.
Bằng cách thực hiện những thói quen trên, cha mẹ có thể tạo ra môi trường tràn đầy năng lượng tích cực, giúp con cái phát triển trong một không khí yêu thương, an toàn và tự tin.