Xã hội ngày càng thay đổi nên cách dạy con cũng đã khác xưa. Nếu ngày xưa “thương cho roi cho vọt” thì ngày nay hầu hết đang hướng đến việc dạy con văn minh hơn, không đi kèm với bạo lực.
Tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng khi mà ở xã hội ngày nay, trẻ em có chính kiến hơn xưa rất nhiều. Nhiều đứa trẻ cũng cứng đầu, hay cãi khi bị ba mẹ nhắc nhở. Vì thế, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để giáo dục con một cách tốt nhất mà không gây tổn thương tâm lý trẻ.
Điều này khiến bé cảm thấy tổn thương và nghĩ rằng mình không được mẹ thương. Nhà Hiền Minh có hai anh em, nhưng bé thấy mình bị la nhiều hơn anh Hai vì anh Hai học giỏi còn bé học dở. Hiền Minh kể: “Ở nhà con làm bài sai là mẹ đánh”. Ngoài việc bị la về học tập, Hiền Minh chia sẻ thêm: “Mỗi lúc đi chơi hay làm gì, mẹ kêu mà con nói đợi con một chút xíu là mẹ chửi, mẹ đánh con”.
Ở nhà, Hiền Minh thân với bà ngoại, nhưng bé vẫn không dám tâm sự với bà và nói ra những mong muốn của mình, bé chỉ nói với bà những chuyện vui. Bé cho biết những lần bé tức mà không nói với ai, bé sẽ bẻ bút chì để thỏa cơn. Những tâm sự và mong muốn của bé hầu như chưa bao giờ bé dám nói trực tiếp với mẹ. Bé mong mẹ dạy bé nhẹ nhàng.
Lo lắng vì con hay phản biện
Chia sẻ với Tiến sĩ Quỳnh Dao, chị Bảo Ngọc – mẹ bé Hiền Minh cho biết: “Tôi áp lực, sợ bé không học kịp các bạn, dạy bé không chịu học, bé lúc nào cũng tỏ vẻ mệt mỏi. Tôi không đặt nặng bé học giỏi như các bạn, tôi chỉ muốn bé lên lớp. Có những lúc bực quá tôi phải hét lên, khẽ tay cho bé sợ”. Chị Bảo Ngọc tiết lộ, bé Hiền Minh hay phản biện lại mẹ, chị cảm giác mình phải cương lên thì con mới nghe lời.
Xem chương trình Điều Con Muốn Nói tập 19 với câu chuyện của Hiền Minh vào lúc 19h15 thứ Sáu 15/11/2024 trên VTV9.
Chị cho biết mình quen giải quyết công việc với tốc độ cao, không chấp nhận được sự trì hoãn. Hiền Minh là một cậu bé khá bốc đồng, không chỉ bẻ gãy bút chì lúc tức giận, mà khi ở trường cãi nhau với bạn, bé lấy tay đánh vào cửa hoặc có gì tức thì phải khóc mới hết cơn giận. Điều này cũng khiến mẹ Bảo Ngọc rất lo lắng, chị không đoán được diễn biến tiếp theo của bé là gì, thấy con chưa kiềm chế cảm xúc về tâm lý.
Theo Tiến sĩ Quỳnh Dao, là một người lớn đôi khi tức giận cũng không kiểm soát được, huống hồ là một cậu bé. Tiến sĩ cảm thấy hành động tự giải tỏa cơn giận của bé cũng là một điều tốt và cách khóc để giải tỏa cảm xúc là một cách hài hòa nhất. Nếu tư duy tích cực mình sẽ hiểu, hãy để cho con khóc, khóc xong phụ huynh sẽ phân tích thì bé sẽ hiểu.
Tiến sĩ Quỳnh Dao mong Hiền Minh hứa, muốn mẹ nhẹ nhàng hơn thì con phải ngoan. Tiến sĩ khuyên bé mỗi lần con giận con phải nói: “Mẹ ơi, mẹ có thể cho con ở một mình một chút không”.
Hãy để con được bộc lộ cảm xúc
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao khuyên phụ huynh: “Phụ huynh hãy hình dung mỗi đứa trẻ sẽ có mỗi cách bộc lộ cảm xúc khác nhau và cách nào an toàn nhất đối với trẻ thì mình hãy chấp nhận. Để qua giai đoạn cảm xúc đó thì mình mới tác động được, còn trong giai đoạn đang cao trào cảm xúc mình có tác động mấy thì con sẽ tìm cách chống lại. Dạy con là cả một quá trình, nên phụ huynh phải kiên nhẫn, bình tĩnh, phải dạy rất nhiều lần mới tạo cho con thói quen, một nét tính cách của con”.
Sau khi nghe tư vấn tâm lý, chị Bảo Ngọc đúc kết: “Đối với Hiền Minh, mình nên chậm một tí, trước nhất nên bảo vệ cảm xúc của mình, sau đó nhìn bé và nói nhẹ nhàng”. Chị chia sẻ với Hiền Minh: “Sau khi con hết giận, mẹ nói nhẹ nhàng lại những cái đúng thì con phải nghe mẹ để cho mình tốt hơn”. Đáp lại lời mẹ Hiền Minh hứa: “Con sẽ ngoan”.
Làm sao để dạy con ngoan mà không cần bạo lực
Dạy con ngoan mà không cần sử dụng bạo lực là một cách nuôi dạy giúp trẻ phát triển nhân cách tốt mà vẫn cảm nhận được tình thương từ bố mẹ. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả:
1. Làm gương cho con
Trẻ thường học từ những gì chúng thấy hơn là từ những gì chúng nghe. Khi bố mẹ cư xử nhẹ nhàng, kiên nhẫn và tôn trọng người khác, trẻ sẽ dần học theo. Bố mẹ có thể làm gương bằng cách lắng nghe, cư xử bình tĩnh khi gặp mâu thuẫn, và luôn giữ thái độ tôn trọng với mọi người.
2. Thiết lập quy tắc và hậu quả rõ ràng
Đặt ra những quy tắc hợp lý và phù hợp với độ tuổi của con, giúp con hiểu được việc tuân thủ là điều quan trọng. Hãy để con biết rằng, nếu không tuân thủ, con sẽ gặp phải hậu quả tự nhiên như mất đi thời gian chơi, bị giới hạn thời gian xem TV, hoặc cần làm lại bài tập.
Khi đặt ra hậu quả, bố mẹ cần kiên trì và không thỏa hiệp để con hiểu rằng bố mẹ sẽ thực hiện đúng lời hứa, dù là thưởng hay phạt.
3. Thể hiện tình yêu thương và sự gần gũi
Khi con cảm nhận được tình yêu thương và sự hỗ trợ từ bố mẹ, con sẽ ít có xu hướng phản kháng hay bất tuân. Bố mẹ có thể dành thời gian riêng để trò chuyện, chơi cùng con hoặc lắng nghe những điều con muốn chia sẻ. Trẻ thường ngoan và tuân thủ quy tắc hơn khi cảm thấy mình được yêu thương và hiểu.
4. Tìm hiểu cảm xúc và suy nghĩ của con
Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng trong việc dạy con ngoan. Thay vì chỉ ra lệnh, bố mẹ nên dành thời gian để tìm hiểu xem vì sao con lại hành xử như vậy. Khi con cảm thấy mình được hiểu và có ai đó lắng nghe, con sẽ ít phản kháng và có xu hướng muốn sửa sai.
5. Khuyến khích thay vì chỉ trích
Thay vì la mắng khi con mắc lỗi, hãy giúp con hiểu lý do tại sao hành động của mình là không đúng và đưa ra các gợi ý về cách làm tốt hơn. Khen ngợi khi con làm đúng và khuyến khích con sửa chữa lỗi lầm. Khen ngợi sự nỗ lực và tinh thần tự giác của con cũng giúp con cảm thấy tự hào và muốn làm tốt hơn.
6. Dạy con cách quản lý cảm xúc
Dạy con cách nhận diện và kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng rất quan trọng. Bố mẹ có thể cùng con nhận diện những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, buồn bã, hoặc thất vọng, sau đó dạy con cách thể hiện cảm xúc đó một cách lành mạnh, chẳng hạn như thông qua nói ra cảm xúc hoặc dành thời gian bình tĩnh lại.
7. Xây dựng thói quen và lịch trình nhất quán
Một lịch trình nhất quán giúp con hiểu rõ mong đợi của bố mẹ và dễ dàng tuân thủ. Bố mẹ có thể thiết lập giờ ăn, giờ ngủ và giờ học cụ thể, điều này giúp con cảm thấy an toàn hơn và hình thành thói quen tự giác.
8. Thưởng và khuyến khích tích cực
Thay vì trừng phạt, bố mẹ có thể sử dụng hệ thống thưởng khi con làm tốt. Những phần thưởng có thể là thời gian chơi thêm, một buổi xem phim hoặc món quà nhỏ. Điều này giúp con hiểu rằng việc làm đúng sẽ mang lại niềm vui và cảm giác hài lòng.
Những phương pháp này không chỉ giúp trẻ ngoan ngoãn mà còn xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin tưởng giữa bố mẹ và con cái. Việc kiên nhẫn và đồng hành cùng con trên hành trình phát triển sẽ giúp con trở thành người có trách nhiệm và biết tự kiểm soát hành vi của mình.