Trong những năm gần đây, xu hướng “Gap year” – tạm dịch là “năm trống” hoặc “năm gián đoạn” – đã trở nên phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là ở các nước phương Tây và đang dần du nhập vào Việt Nam.
Gap year là khoảng thời gian mà một người trẻ, thường sau khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học, tạm gác lại các kế hoạch học tập hoặc công việc để trải nghiệm và khám phá bản thân. Khoảng thời gian này có thể kéo dài từ vài tháng đến một năm hoặc hơn, tùy vào mục tiêu và hoàn cảnh của mỗi người.
Gap Year Làm Gì?
Mỗi người sẽ có cách tận dụng Gap year khác nhau. Một số chọn đi du lịch để khám phá thế giới, học thêm một kỹ năng mới, tham gia các chương trình tình nguyện, hoặc thậm chí dành thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Gap year không chỉ là một “kỳ nghỉ kéo dài” mà còn là thời gian để người trẻ tìm hiểu bản thân, định hình mục tiêu và định hướng cho tương lai.
Chị Nguyễn Lê Mỹ An (TP.HCM) chia sẻ: “Sau 1 tháng đi thực tập,mình cảm thấy bản thân chưa thực sự sẵn sàng, chưa đủ kỹ năng sống, nên mình quyết định đi trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn”.
Hiện nay, những người như chị Mỹ An không hiếm. Việc tạm dừng mọi việc để trải nghiệm và khám phá chính mình mang lại nhiều lợi ích tích cực cho bản thân mỗi người.
Ảnh Hưởng Tích Cực Của Gap Year
Trưởng thành hơn về tư duy: Gap year giúp giới trẻ thoát khỏi lối mòn học tập và làm việc liên tục, cho phép họ suy nghĩ sâu sắc hơn về giá trị và mục tiêu của mình. Những trải nghiệm thực tế trong năm này thường mang lại những bài học quý giá mà sách vở không thể cung cấp.
Phát triển kỹ năng mềm: Giao tiếp, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, và khả năng thích nghi là những kỹ năng mà nhiều người cải thiện rõ rệt trong Gap year.
Xây dựng sự tự tin: Việc vượt qua thử thách trong một môi trường mới hoặc chinh phục một kỹ năng lạ lẫm giúp nhiều bạn trẻ tự tin hơn vào bản thân.
Định hướng rõ ràng hơn: Khoảng nghỉ này là cơ hội để đánh giá lại sở thích, đam mê, và con đường sự nghiệp, giúp người trẻ đưa ra những quyết định quan trọng một cách sáng suốt hơn.
Mặt Trái Của Gap Year
Ngược lại, nhiều người khác không thực sự thoải mái với Gap Year. Chị Nguyễn Ngọc Thanh Hải (TP.HCM) cho biết: “Mình không lựa chọn “Gap year” vì sợ không cạnh tranh được với bạn bè, và sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tự do tài chính của bản thân”.
Suy nghĩ của chị Thanh Hải hoàn toàn chính xác, bởi việc nghỉ một thời gian dài có thể lãng phí thời gian, mất định hướng tương lai. Nếu không có kế hoạch rõ ràng cũng như học hỏi được trong khoảng thời gian này thì Gap year có thể biến thành khoảng thời gian lãng phí, khiến người trẻ khó quay lại với quỹ đạo học tập hoặc làm việc.
Ngoài ra, điều đáng lưu ý là bạn có thể bị bỏ lại phía sau so với bạn bè đồng trang lứa. Trong lúc bạn bè đi làm tích lũy kinh nghiệm và thăng tiến, bạn lại không hề có kinh nghiệm làm việc khiến bạn có thể đi chậm hơn. Điều này dẫn đến hệ lụy bạn thấy thua kém, tự ti khi làm việc.
Cuối cùng, lựa chọn Gap Year có thể khiến bạn gặp nhiều áp lực tài chính: Đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động trong Gap year thường đòi hỏi một khoản chi phí đáng kể, tạo gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình.
Xu Hướng Gap Year Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Gap year vẫn còn là khái niệm mới mẻ và gây nhiều tranh cãi. Trong bối cảnh áp lực học tập và làm việc nặng nề, nhiều phụ huynh lo lắng việc nghỉ ngơi quá lâu có thể khiến con cái mất tập trung hoặc “tụt hậu”. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ đã bắt đầu thử nghiệm Gap year và chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng.
Ví dụ, có bạn trẻ chọn làm tình nguyện viên tại vùng cao, tham gia các khóa học kỹ năng mềm, hoặc khởi nghiệp một dự án nhỏ trong thời gian Gap year. Những trải nghiệm này không chỉ làm giàu vốn sống mà còn giúp họ trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Lời Khuyên Khi Chọn Gap Year
Lên kế hoạch cụ thể: Xác định rõ bạn muốn làm gì, học gì, hoặc trải nghiệm gì trong năm này.
Cân nhắc tài chính: Tính toán chi phí cho các hoạt động trong Gap year và đảm bảo có sự hỗ trợ tài chính ổn định.
Đặt mục tiêu rõ ràng: Một Gap year thành công là khi bạn đạt được những mục tiêu cá nhân hoặc nghề nghiệp mà mình đề ra.
Giữ kỷ luật: Dù không còn gò bó bởi lịch trình học tập, hãy cố gắng duy trì thói quen tốt và tinh thần học hỏi.
Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tuần qua, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thoa (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cũng chia sẻ: “Lợi ích trước tiên, bạn có thời gian để nghỉ ngơi, giảm căng thẳng. Tuy nhiên bạn cũng mất nhiều thứ: Tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa, đối mặt với áp lực cạnh tranh của thế hệ sau, kiến thức bị mai một dẫn đến sự nhạy bén sụt giảm, mất định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên “Gap year” không xấu, để hiệu quả hãy luôn cập nhật xu hướng việc làm, hoàn thiện kỹ năng còn thiếu”.
Việc lựa chọn “Gap year” phụ thuộc vào định hướng tương lai, điều kiện kinh tế của mỗi cá nhân. Quan trọng hơn hết, xác định đích đến và tin tưởng vào lựa chọn của mình.