Bài nổi bật

Đừng để những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến bạn

Published on

Theo một số nghiên cứu, não bộ chúng ta được tạo ra để quan tâm, lưu giữ những điều tiêu cực.

Ví dụ có rất nhiều người chỉ toàn thấy những điều bực bội như: sáng ra đường thì kẹt xe, đi thang máy thì hư, gặp đúng lúc sếp đang bực dọc… Và cảm thấy cực kỳ stress trước những điều này. Họ không thấy thực ra hôm nay trời vẫn rất đẹp, đồng nghiệp thân thiện hay cô con gái đáng yêu đã hôn lên mặt họ trước khi đi học… 

Chính vì vậy, có nhiều người thường xuyên oán thán, than trách hay stress vì công việc, cuộc sống. Như anh NHĐ, dù có công việc ổn định, thu nhập tốt, mối quan hệ ngoại giao rộng rãi… nhưng anh vẫn thường xuyên chán nản vì ông sếp khó chịu hay cô con gái nhõng nhẽo. Và dĩ nhiên là kể cả những  mặt hạn chế của cô vợ “không hoàn hảo” của anh.

Với tính cách ấy, thực sự khiến người bên cạnh và bản thân anh mệt mỏi. Anh thường hỏi tôi: “Làm thế nào để anh có thể thoải mái như em?” khi thấy tôi hay cười và ít khi suy nghĩ tiêu cực. Thật ra thì tôi cũng có lúc suy nghĩ tiêu cực. Nhưng mỗi lúc như vậy tôi cố gắng nghĩ đến những điều tốt đẹp hoặc đơn giản là không oán thán, gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực trước khi chúng ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Theo nghiên cứu, có những cách để huấn luyện bộ não từ bỏ tâm trạng và ý nghĩ tiêu cực nhanh chóng mà bạn và những người như anh có thể tham khảo để luôn sống vui khỏe:

  • Không nghiền ngẫm những điều tiêu cực: Khi bạn cứ suy nghĩ mãi về những điều tiêu cực sẽ khiến bạn càng lún vào cảm xúc xấu, thậm chí chẳng còn muốn làm gì. Lúc này, tốt nhất là nên chủ động chuyển sang những hoạt động khác như: rửa chén, gấp quần áo, trò chuyện với người khác, đọc sách, tập thể dục…

Tôi thường đi rửa chén hoặc làm một việc nhà nhẹ nhàng mỗi khi gặp chuyện bực mình không giải quyết được như một feedback không như ý từ khách hàng hay một lời phàn nàn từ cấp trên. Sau 5 – 10 phút lao động chân tay sẽ giúp tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn, tâm trạng tốt hơn để có thể trả lời sếp hay khách hàng một cách tốt nhất.

  • Ngồi thiền: Đây là biện pháp nhiều người thực hiện trong thời gian gần đây. Việc hít thở và thiền chánh niệm đã được chứng minh làm tăng hoạt động ở những vùng não trái – chuyên xử lý tâm trạng tích cực và giảm hoạt động ở những vùng não phải – gắn liền với tâm trạng tiêu cực

Nếu không thể sắp xếp các suy nghĩ của bản thân, bạn hãy thử hít thở sâu và ngồi thiền 30 phút. Lúc đó, những cảm xúc vui buồn – thất vọng… có thể được thổi bay.

  • Mở rộng tầm nhìn: Stress và tâm trạng tiêu cực khiến bạn tập trung vào tiểu tiết. Khi đó, bạn không nhìn thấy được tổng quan về cuộc sống với nhiều thứ tích cực như gia đình, bạn bè, một công việc ổn định, một mối quan hệ bền vững, được ăn học, có con cái…

Mỗi khi cảm thấy tụt mood vì những cuộc cãi vã hay thất vọng vì một mối quan hệ tôi thường ngồi nhìn lại mình và liệt kê những gì mình đang có. Sau một hồi nói chuyện với chính mình và list ra những thứ mình có, tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn cuộc đời đã cho mình quá nhiều.

  • Du hành vượt thời gian: Thay đổi quan điểm về thời gian có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Hãy tự hỏi mình liệu bạn có còn quan tâm đến việc này sau năm giờ, năm ngày, năm tháng hay năm năm không. Nếu đó là một điều phiền toái thường ngày thì câu trả lời là “không.”  

Tóm lại, điều quan trọng là trở nên ý thức hơn khi bạn để cho một phản ứng trước một tác nhân gây stress nhỏ kéo dài quá lâu. Định hướng lại bộ não để buông bỏ sẽ cải thiện tâm trạng và sự thỏa mãn tổng thể với cuộc sống.

Bạn có thể nghiên cứu thêm những tác động của não bộ trong bài này. Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn loại bỏ được những phiền muộn nhỏ bé hàng ngày và luôn vui vẻ, tích cực: https://www.psychologytoday.com/ie/blog/the-mindful-self-express/202103/why-your-brain-wont-let-go-small-stressors

 

3 Comments

Copyright by Vui Sống -Publish & Editor Phương Uyên - Web by Ricky