Đọc - Ăn - Chơi
Không nên bi quan dù lớn lên trong gia đình bạo hành
Đến với chương trình Người Thứ 3, chị K (24 tuổi) chia sẻ về câu chuyện hôn nhân tan vỡ của ba mẹ. Kể lại cảnh mẹ bị ba bạo hành và ngoại tình vì không sinh con trai nối dõi, chị K không kiềm được nước mắt.
Hà khắc, bạo hành vợ vì không sinh được con trai
Theo chị K, vì gia đình chị là người gốc Bắc nên có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có con trai nối dõi. Vì thế, sau khi mẹ chị K hạ sinh con gái đầu lòng, gia đình bên nội “bằng mặt không bằng lòng”, hà khắc với mẹ chị.
Một năm sau đó, mẹ chị K tiếp tục mang thai và hạ sinh chị K. Ở tháng thai kỳ thứ 6, mẹ chị K cùng bà nội đến bệnh viện siêu âm. Tại bệnh viện, bà nội tát vào mặt mẹ chị K ngay sau khi biết tin con dâu tiếp tục mang thai con gái.
Sau khi biết tin mẹ chị K mang thai con gái, không chỉ gia đình bên nội quay lưng mà ba chị K cùng “hùa” theo để chì chiết: “Ba tôi kêu: “Tại sao đã cố gắng đến đứa thứ hai rồi mà vẫn không đẻ được con trai”. Thậm chí, gia đình bên nội còn nảy sinh ý định bắt mẹ chị K phá thai, thế nhưng thai nhi đã lớn nên không phá được.
Từ sau sự việc này, ba chị K bắt đầu chểnh mảng việc gia đình, đi sớm về khuya. Không lâu sau đó, mẹ chị K phát hiện chồng có nhân tình bên ngoài. Sau khi phát hiện, ba chị K không những không hối lỗi mà công khai chuyện có “bồ nhí” và được gia đình bên nội ủng hộ với lý do: “Bên gia đình nội ai cũng nói nếu mẹ tôi không đẻ được thì để người khác đẻ chứ sao lại ngăn cấm”.
Trong một lần nhà nội có đám giỗ, mẹ chị K làm việc quần quật trong bếp, không có thời gian trông nom con gái nên có nhờ chồng hỗ trợ. Thời điểm đó chị K chỉ mới 2 tuổi nên nghịch phá, vô tình va phải ấm nước sôi nên bị bỏng một bên chân.
Chị K xót xa kể lại: “Nghe tiếng tôi khóc, gia đình bên nội chạy vào, không rõ sự tình như thế nào liền quay qua mắng chửi mẹ tôi: “Tại sao không trông con”.
Ba tôi lúc đó đang say nên dùng ấm nước đó ném vào người mẹ và may mắn mẹ dùng tay đỡ được nên chỉ bị bỏng ở tay”. Chứng kiến cảnh này, hàng xóm khuyên ngăn và có ý định đưa mẹ con chị K đi trạm xá băng bó vết thương nhưng gia đình nhà nội không cho phép, vì vậy đến giờ chân chị K vẫn còn sẹo.
Bi kịch nối tiếp bi kịch
Một ngày nọ, ba chị K hay tin vợ lén cho tiền bố mẹ ruột đi khám bệnh nên đã đánh và mắng chửi. Không dừng lại tại đó, người đàn ông này còn bắt mẹ chị K quỳ xuống thềm nhà và chất vấn: “Mày đem tiền về cho ba mẹ mày hay lấy tiền đi nuôi trai?”. Theo lời chị K, ba chị là một người rất sĩ diện, dù vợ con không có tiền để ăn nhưng lại rất hào phóng với bạn bè.
Đến chiều cùng ngày, sau khi nhậu say về thấy mẹ chị K không còn quỳ, người đàn ông này cầm dao phi thẳng vào nhà vệ sinh trong lúc mẹ chị K đang giặt đồ, nhưng may mắn mẹ chị K không gặp nhiều vết thương. Nhắc lại kỷ niệm đau buồn này, chị K “bật khóc như mưa”.
Ngoại tình, về đánh đập vợ con
Đỉnh điểm, nhân lúc mẹ chị K ở nhà một mình, “tiểu tam” đến khiêu khích, thách thức chuyện không sinh được con trai. Không kiềm được cơn tức giận, mẹ chị K tát vào mặt nhân tình của chồng.
Sau đó, chồng và gia đình chồng chạy lên, đánh mẹ chị K đến gãy chân và buông lời trách mắng: “Tao đã kiếm một đứa để đẻ con trai mà mày còn muốn triệt đường sống của nhà tao”. Nhân lúc “chính thất” bị gia đình nhà chồng đánh, “tiểu tam” dùng kéo cắt tóc mẹ chị K. Kể từ sự việc này, ba mẹ chị K chính thức “đường ai nấy đi”.
Hậu ly hôn, mẹ chị K giữ quyền nuôi hai con gái và chuyển đến Đắk Lắk sinh sống. Tòa án quyết định, mỗi tháng ba chị K sẽ chu cấp cho hai con là 400.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay đã 20 năm trôi qua nhưng chị K vẫn chưa nhận được tiền chu cấp của ba mình.
Gieo nhân nào thì gặt quả nấy
Cũng tại chương trình, chị K tiết lộ, không lâu sau đó, ba chị và nhân tình ở tù 8 năm vì tội “chứa chấp gái mại dâm”. Sau khi ra tù, ông tìm cách liên lạc với chị gái chị K để níu kéo cho mẹ quay lại. Thậm chí, người đàn ông này còn có ý định dùng bùa phép để níu kéo mẹ chị K.
Lắng nghe câu chuyện gia đình của chị K, đạo diễn Lê Hoàng trách: “Đến nước chồng với nhân tình đánh đến gãy chân mới quyết định ly hôn là quá trễ”.
Bên cạnh đó, đạo diễn phim Trà không quên dặn dò: “Tôi chỉ khuyên bạn một điều, bạn và gia đình đừng liên lạc gì với người đàn ông đó nữa. Ba bạn chỉ tìm cách tiếp cận để lợi dụng thôi, bạn đừng tin lời ông ấy. Tôi nghĩ, đáng lẽ những hành vi bạo hành như tạt nước sôi, lấy dao phi vào người, đánh gãy chân,… nếu ở quốc gia khác thì ông ấy đã đi tù rồi chứ không phải đợi đến tội chứa chấp gái mại dâm đâu”.
Sống trong gia đình bạo hành, con cái gánh chịu nhiều nỗi đau tinh thần
Chứng kiến cảnh ba bạo hành mẹ khiến gia đình tan vỡ, chị K lo ngại về tình yêu và tương lai. Đạo diễn Lê Hoàng khuyên chị không nên bi quan: “Bạn còn trẻ, xinh đẹp và trưởng thành trong bi kịch nhưng vẫn giữ tác phong tốt. Hãy tin rằng ngoài kia còn nhiều người đàn ông tốt. Qua trải nghiệm này, bạn sẽ học cách nhìn nhận đàn ông toàn diện hơn. Nếu sau này gặp người có biểu hiện bạo lực, hãy rời xa ngay lập tức.”
Người Thứ 3 được phát sóng định kỳ vào lúc 20h thứ Ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.
Hình phạt cho những người có hành vi bạo lực
Theo luật, những hành vị bạo lực vợ/chồng, cha mẹ, con cái… sẽ bị phạt hành chính từ 5 triệu đồng trở lên, nếu có các hành vi tăng nặng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm
Tuy nhiên, tại Việt Nam rất ít người nhận thức rõ về luật cũng như có những hành vi tự bảo vệ mình. Vì thế, trước khi chờ luật pháp hỗ trợ, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các hội nhóm, người thân và bạn bè để tránh gặp những trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của mình và con.
Làm sao để vượt qua ám ảnh tuổi thơ trong gia đình bạo hành
Vượt qua nỗi ám ảnh tuổi thơ khi chứng kiến mẹ bị cha bạo hành là một quá trình đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và có thể cần đến sự trợ giúp chuyên nghiệp. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể bắt đầu hành trình chữa lành:
1. Thừa nhận cảm xúc và trải nghiệm
Điều quan trọng là bạn phải thừa nhận rằng mình đã trải qua một giai đoạn khó khăn và chấp nhận rằng những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn bã, tức giận là hoàn toàn bình thường. Không nên xấu hổ hay tự ti về những gì đã xảy ra, vì đó là hành động và quyết định của người lớn, không phải của bạn.
2. Chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, các chuyên gia tâm lý
Hãy tìm đến những người bạn, người thân hoặc các chuyên gia tư vấn mà bạn tin tưởng để chia sẻ cảm xúc. Việc nói ra những nỗi đau trong quá khứ có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn và nhìn nhận lại mọi thứ từ góc độ khác.
Chia sẻ không chỉ giúp giải tỏa tâm lý mà còn giúp bạn nhận được những lời khuyên hữu ích từ người ngoài cuộc.
Các nhà tâm lý học hoặc chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn vượt qua những tác động tâm lý sâu sắc mà bạo hành gia đình để lại. Họ có những phương pháp khoa học để giúp bạn hiểu rõ và đối diện với cảm xúc của mình.
Trị liệu không chỉ giúp bạn hiểu về nỗi đau mà còn hướng dẫn cách xây dựng lại lòng tự tin, sự cân bằng và khả năng kiểm soát cuộc sống hiện tại.
3. Luyện tập kỹ năng đối phó
Học các kỹ năng quản lý căng thẳng, như thực hành thiền, yoga, hay viết nhật ký, để đối phó với những suy nghĩ tiêu cực hoặc các cảm xúc trồi sụt.
4. Học cách tha thứ (nếu sẵn sàng)
Tha thứ không có nghĩa là bạn bỏ qua hành vi sai trái, nhưng đó là cách để giải phóng bản thân khỏi sự giận dữ và căng thẳng. Tha thứ cho người khác đôi khi còn là cách để bạn chữa lành cho chính mình.
Hãy nhớ, tha thứ nhưng không bỏ qua, đừng để họ có cơ hội tiếp tục tổn thương bạn
Hãy rời xa những đối tượng độc hại như người cha/người chồng bạo lực. Nhưng hãy tha thứ để tâm hồn được nhẹ nhõm. Tuy nhiên, đây là một quá trình cá nhân và không cần ép buộc, bạn có thể làm khi đã sẵn sàng.
5. Tự chăm sóc bản thân
Chú trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, và tìm kiếm những hoạt động tích cực, có ích để giảm thiểu sự ảnh hưởng của các ký ức buồn.
Việc chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn xây dựng lại lòng tin và sức mạnh cá nhân, điều cần thiết để đối phó với những cảm xúc khó khăn.
6. Tạo dựng mối quan hệ lành mạnh
Trải nghiệm bạo lực trong gia đình có thể khiến bạn mất niềm tin vào các mối quan hệ. Hãy học cách xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và tích cực trong cuộc sống hiện tại.
Tìm kiếm những người có thể mang lại sự yêu thương và tôn trọng, tránh xa những mối quan hệ có yếu tố bạo lực hoặc kiểm soát.
7. Nhìn về tương lai
Hãy tập trung vào những mục tiêu và ước mơ của bạn trong tương lai. Đừng để quá khứ định hình bạn là ai, hãy tự định nghĩa lại bản thân và lựa chọn cuộc sống mà bạn mong muốn.
Việc vượt qua nỗi ám ảnh từ tuổi thơ không phải là điều dễ dàng, nhưng với sự kiên trì và sự hỗ trợ từ những người xung quanh, bạn có thể dần dần chữa lành và tìm lại sự bình yên cho bản thân.