Hiện nay, nhiều cặp đôi không đăng ký kết hôn dù sống như vợ chồng, thậm chí có con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Ví dụ, có người không muốn bị ràng buộc vào nghĩa vụ vợ chồng. Hoặc có thể do những khó khăn như dịch bệnh Covid vừa qua hay điều kiện kinh tế khó khăn…
Thế nhưng, bên cạnh lợi ích là sự tự do cá nhân thì điều này cũng mang đến nhiều hệ lụy, nhất là cho nữ giới khi không được pháp luật bảo vệ lợi ích khi chồng phản bội hay ly hôn.
Câu chuyện của chị M trong Người Thứ 3 cũng là một câu chuyện đáng để mọi người suy nghĩ.
Ở tuổi 31, chị M chia sẻ về cuộc hôn nhân đầy đau khổ khi vừa phải đối diện với việc chồng ngoại tình, vừa bị mẹ chồng hằn học, đuổi ra khỏi nhà ngay khi đang mang thai.
Sống chung nhưng không đăng ký kết hôn vì kinh tế khó khăn
Câu chuyện của chị M bắt đầu từ những ngày hai vợ chồng còn là đồng nghiệp trong xưởng may. Họ yêu nhau, và sau một năm tìm hiểu, quyết định về chung một nhà. Tuy nhiên, cuộc sống không như mơ. Vì điều kiện kinh tế còn eo hẹp, cả hai chỉ tổ chức một buổi tiệc nhỏ, ra mắt gia đình hai bên mà không đăng ký kết hôn. Sau đó, họ quay lại TP.HCM để tiếp tục làm việc.
Những ngày đầu chung sống tưởng chừng êm đẹp, nhưng dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập đến, buộc chị M và chồng phải về quê anh ở Cà Mau. Chính tại đây, khi sống chung với mẹ chồng, chị M mới bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi kỳ lạ từ người mẹ chồng mà chị từng nghĩ là rất yêu thương mình.
“Lúc còn ở thành phố, tôi và mẹ chồng vẫn thường xuyên liên lạc, trò chuyện. Bà đối xử với tôi rất tốt, tôi cứ ngỡ mình đã có thêm một người mẹ,” chị M kể lại. Nhưng sau khi về sống chung, bà đột nhiên trở nên khó chịu và hằn học, khiến chị không khỏi bàng hoàng.
Sự việc ngày càng tệ hơn khi mẹ chồng liên tục chê bai, xỉa xói, cho rằng chị M “dụ dỗ” con trai bà.
Chưa dừng lại ở đó, khi biết chị đang mang thai, bà vẫn không buông lời chỉ trích. Trong khi đó, chồng chị, anh V, ngày càng lạnh nhạt, bỏ bê chị và thường xuyên tụ tập với bạn bè.
Điều đau đớn hơn cả là trong thời gian mang thai, chị phát hiện chồng ngoại tình với người yêu cũ, chỉ sống cách nhà vài căn. Khi chị đối chất với chồng, hy vọng nhận được lời xin lỗi, thì ngược lại, anh V lớn tiếng chửi bới, thậm chí đánh chị, khiến chị rơi vào trạng thái vô cùng tuyệt vọng.
Chồng phản bội, mẹ chồng quay lưng
Chị M nghẹn ngào kể lại khoảnh khắc kinh hoàng khi bị mẹ chồng quay lưng, bảo vệ con trai một cách mù quáng. “Bà trách tôi làm lớn chuyện ngoại tình để hàng xóm chê cười.”
Không thể chịu nổi cảnh chồng và nhân tình ngang nhiên qua lại, một ngày nọ, chị đến thẳng nhà người phụ nữ kia để đối chất. Nhưng thay vì nhận được sự hối lỗi, chị bị chửi mắng ngược lại. Trong cơn giận dữ, chị ném cái ly về phía nhân tình của chồng. Cuộc xô xát diễn ra và chị bị đá, xô ngã vào nồi lẩu đang sôi khiến chị bị bỏng nặng, đồng thời bị động thai.
Sau sự việc, mẹ chồng không hề cảm thông mà còn đuổi chị ra khỏi nhà, bắt chị phải xin lỗi. Bất lực, chị M phải nhờ sự giúp đỡ của người chị họ bên chồng để ở nhờ.
Thời gian sau, khi quay lại TP.HCM, chị nhận tin mẹ ruột qua đời trong lúc dịch bệnh. Đau đớn tột cùng, chị vừa phải lo toan cho bản thân, vừa đối diện với trách nhiệm làm mẹ khi đứa con sắp chào đời mà không có nơi nương tựa.
Dù vậy, chị M vẫn kiên cường. Sau khi con đầu lòng được 3 tháng, chị trở lại làm việc, dù phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để đủ tiền mua sữa, tã cho con.
Cuộc sống của mẹ con chị hiện tại đã ổn định, nhưng chị không còn liên lạc với chồng cũ và cũng không để anh gặp lại con.
Vẫn luôn tích cực dù cuộc sống khó khăn
Lắng nghe câu chuyện của chị M, đạo diễn Lê Hoàng không giấu nổi sự cảm phục.
Ông nhấn mạnh rằng việc không đăng ký kết hôn là một sai lầm, vì khi không có sự ràng buộc pháp lý, người đàn ông dễ dàng lảng tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự kính trọng đối với chị M vì đã vượt qua mọi khó khăn để nuôi con một mình.
Cuối cùng, dù chị M cho biết sẽ không đi bước nữa vì ám ảnh với những vết thương từ cuộc hôn nhân cũ, đạo diễn Lê Hoàng động viên chị hãy mở lòng cho tương lai, vì ngoài kia vẫn còn nhiều người đàn ông tốt. “Đừng để cuộc đời mình dừng lại ở đây, bởi con gái của bạn rồi sẽ lớn lên và có cuộc sống riêng. Bạn xứng đáng có được hạnh phúc mới,” ông nhắn nhủ.
Câu chuyện của chị M cũng là câu chuyện dễ thấy ở Việt Nam, nơi mà người phụ nữ vẫn còn thiệt thòi vì những định kiến của xã hội. Nơi mà mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu vẫn còn tồn tại. Nơi mà những người đàn ông vẫn chưa chịu trưởng thành.
Vì thế, là phụ nữ Việt Nam, hãy luôn giữ tinh thần tích cực, yêu thương và chăm sóc bản thân mình. Bên cạnh đó, cũng nên tìm hiểu thêm về luật để bảo vệ lợi ích của mình khi có vấn đề xảy ra.
Như đạo diễn Lê Hoàng có chia sẻ: “Cái dở đầu tiên là bạn nghĩ đơn giản quá khi không đăng ký kết hôn. Đừng lấy lý do vì nghèo, bởi giấy kết hôn không ảnh hưởng đến chuyện giàu nghèo. Chính vì vậy mà khi có chuyện gì xảy ra, người đàn ông sẽ viện cớ là không có ràng buộc tờ hôn thú để làm những điều sai trái. Thậm chí, nếu hai vợ chồng có xảy ra xung đột thì khi ra tòa bạn sẽ có về mặt lợi thế. Dù xét mức độ tình cảm thì ngang nhau nhưng về mặt luật pháp, chúng ta không thể nói rằng cô gái kia giật chồng bạn được. Về phía chồng bạn, một người đàn ông hời hợt, bội bạc và không có trách nhiệm thì không đáng gì để bàn đến”.
Nên tìm hiểu thêm về luật để bảo vệ mình cũng như quyền lợi của con cái khi kết hôn
Rủi ro và bất lợi khi sống chung mà không đăng ký kết hôn
- Thiếu bảo vệ pháp lý: Khi sống chung mà không có hôn thú, các cặp đôi có thể gặp khó khăn trong việc phân chia tài sản hay giải quyết quyền nuôi con khi xảy ra mâu thuẫn hoặc chia tay. Các quy định về tài sản chung, quyền thừa kế và các quyền lợi khác có thể không được bảo vệ như với các cặp đôi có đăng ký kết hôn.
- Xã hội và gia đình có thể không chấp nhận: Ở một số nền văn hóa, việc sống chung mà không kết hôn có thể bị xã hội hoặc gia đình chỉ trích, dẫn đến áp lực tâm lý cho cặp đôi.
- Ảnh hưởng đến con cái (nếu có): Khi có con chung, việc không có giấy tờ hôn thú có thể ảnh hưởng đến việc xác định quyền lợi của con cái, đặc biệt trong trường hợp một trong hai người muốn chia tay hoặc rời bỏ trách nhiệm nuôi con.
- Thiếu cam kết lâu dài: Một số nghiên cứu cho thấy các cặp đôi sống chung mà không kết hôn có thể gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài, do thiếu cam kết rõ ràng và cụ thể hơn so với hôn nhân.
Quyết định sống chung mà không kết hôn phụ thuộc vào giá trị, mục tiêu và hoàn cảnh của từng người. Nếu bạn và đối phương cảm thấy thoải mái, tin tưởng nhau và không cần sự xác nhận từ giấy tờ pháp lý, đó có thể là một lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch dài hạn hoặc muốn bảo vệ quyền lợi pháp lý, việc đăng ký kết hôn vẫn là một lựa chọn an toàn hơn.