Thất nghiệp là chuyện không hiếm gặp trong cuộc sống, nhưng nếu kéo dài sẽ gây ra ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Thất nghiệp kéo dài mang nhiều khó khăn về tài chính và đặc biệt tác động đến lòng tự trọng và giá trị cá nhân. Đôi khi dẫn đến áp lực vô hình gây ra những tai nạn không mong muốn.
Anh Đ.K (TP.HCM) thổ lộ: “Ban đầu, em tích cực nộp đơn, sau một vài tháng không được phản hồi và thậm chí từ chối, em bắt đầu thấy chán nản, cảm thấy bản thân kém cỏi, không dám mở email xem phản hồi từ phía doanh nghiệp và chỉ muốn ngủ cho qua ngày”.
Chị Yến Kha (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Mình quyết định nghỉ việc ngành truyền thông sau hơn 2 năm làm việc. Sau đó, mình bắt đầu đi du lịch, trở về nhà, sinh hoạt cùng với gia đình, tiếp tục học tập và mình quyết định làm thêm công việc part time để phục vụ việc học”.
Tác động tâm lý của thất nghiệp kéo dài
Theo các chuyên gia, việc thất nghiệp kéo dài không chỉ ảnh hưởng kinh tế mà còn tác động đến sức khỏe tinh thần. Trước hết, nó có thể làm mất đi sự tự tin của người trẻ. Khi liên tục bị từ chối hoặc không nhận được phản hồi từ các nhà tuyển dụng, họ dễ cảm thấy bản thân không đủ năng lực hoặc kém cỏi hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Cảm giác này dần dần biến thành sự nghi ngờ chính mình, khiến họ không còn muốn thử sức hoặc tìm kiếm cơ hội mới.
Không chỉ vậy, thất nghiệp kéo dài còn gây ra căng thẳng và lo âu. Nhiều người trẻ bị ám ảnh bởi việc không đạt được mục tiêu cá nhân, trong khi áp lực tài chính ngày càng gia tăng. Họ phải đối mặt với việc phụ thuộc vào gia đình hoặc không thể chi trả các chi phí cơ bản, tạo nên cảm giác bất lực và bế tắc.
Tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến trầm cảm và cảm giác vô vọng. Cô đơn là cảm giác phổ biến khi người trẻ ngại chia sẻ với bạn bè hoặc gia đình, trong khi nỗi buồn và áp lực ngày càng đè nặng. Theo các nghiên cứu tâm lý, thất nghiệp kéo dài là một trong những yếu tố chính dẫn đến nguy cơ trầm cảm cao, đặc biệt khi người trẻ cảm thấy không còn hy vọng cải thiện tình hình.
Ngoài ra, thất nghiệp cũng tác động mạnh đến các mối quan hệ xã hội. Người trẻ thường né tránh các cuộc gặp gỡ hoặc sự kiện xã hội do lo ngại bị hỏi về công việc, từ đó làm giảm cơ hội giao lưu và phát triển. Trong gia đình, sự căng thẳng tâm lý có thể khiến họ dễ cáu gắt, dẫn đến mâu thuẫn hoặc xung đột không đáng có.
Cuối cùng, thất nghiệp kéo dài làm suy giảm động lực và năng lượng sống. Khi không có công việc, nhiều người rơi vào trạng thái mất phương hướng, không biết mình muốn gì và cần làm gì. Một số người còn hình thành thói quen xấu như thức khuya, lười vận động hoặc thậm chí sử dụng các chất gây nghiện để tạm quên đi áp lực.
Ý kiến chuyên gia
Chuyên gia Trần Thị Hạnh Dung (Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam) cho biết: “Trong xã hội hiện nay, công việc ổn định được xem là thước đo giá trị mỗi người. Công việc ổn định khiến cho cá nhân tự tin về giá trị bản thân và ngược lại”.
Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) khẳng định: “Thất nghiệp không có nghĩa là không làm gì, hãy tìm những công việc thay thế mà mình yêu thích, giúp bản thân nhận thức mình có giá trị, tạo được giá trị cho xã hội, nâng cao sức khỏe, tinh thần, tìm điểm mạnh, điểm yếu của bản thân hoặc thay đổi định hướng công việc”.
Lời khuyên giúp vượt qua trạng thái này
Để vượt qua trạng thái thất nghiệp kéo dài, trước tiên hãy duy trì kết nối xã hội. Dành thời gian trò chuyện với bạn bè hoặc gia đình không chỉ giúp bạn giảm cảm giác cô lập mà còn tạo thêm động lực để tiến về phía trước.

Học thêm kỹ năng mới cũng là một cách hiệu quả để nâng cao khả năng cạnh tranh. Các khóa học trực tuyến hoặc dự án cá nhân không chỉ giúp bạn cải thiện năng lực mà còn mang lại cảm giác thành tựu.
Nếu cảm thấy quá áp lực, đừng ngần ngại tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc trung tâm hỗ trợ việc làm. Đây là nơi bạn có thể nhận được sự tư vấn và đồng hành để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, thực hiện lối sống lành mạnh như tập thể dục, ăn uống điều độ và ngủ đủ giấc cũng góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng cường năng lượng sống.